Thất hứa với nền kinh tế Mỹ, ông Trump còn đánh mất hai lá bài quan trọng trong cuộc tranh cử Tổng thống 2020
Buổi tối hôm 4/2 là một sự kiện đáng nhớ trong nhiệm kì tổng thống của ông Trump. Đúng 9 giờ tối, ông Trump bước vào khán phòng Hạ viện được trang trí công phu để đọc Thông điệp Liên bang năm 2020. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đồng loạt vỗ tay và hô vang "4 năm nữa", ủng hộ một nhiệm kì mới của ông Trump.
Cho đến lúc đấy, mọi chuyện vẫn diễn ra suôn sẻ với ông Trump. Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán vẫn liên tục phá đỉnh.
Không chỉ vậy, chỉ một ngày hôm trước, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - đối thủ ưa thích của ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đã giành ưu thế trong cuộc họp đảng tổ chức tại bang Iowa.
Chiến thắng của ông Sanders sẽ giúp cản đường cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cả ông Sanders và ông Biden đều là ứng cử viên của Đảng Dân chủ, và đều là đối thủ của ông Trump. Tuy nhiên, trong một cuộc đối đầu trực diện với tư cách là đại diện chính thức của Đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử, thượng nghị sĩ Sanders không có nhiều khả năng chiến thắng trước ông Trump bằng cựu Phó Tổng thống Biden.
Ông Trump cũng biết chắc mình được trắng án trong phiên xử luận tội ngày hôm sau. Đối với ông Trump, đây là một chiến thắng vang dội trước những kẻ thù của mình là Đảng Dân chủ và những quan chức ngấm ngầm muốn lật đổ ông.
Nhưng giờ đây, gần như tất cả trụ cột trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã sụp đổ.
Nền kinh tế Mỹ khó tránh khỏi một cuộc suy thoái vì tác động của COVID-19. Bernie Sanders - đối thủ chính ông Trump nhắm đến trong chiến dịch tranh cử đã bị bỏ xa bởi ông Biden. Cả chủ trương "đối đầu" đối với Washington và chính phủ liên bang cũng không còn khả dụng.
Ngày 18/3, Bank of America - một trong những ngân hàng hàng đầu nước Mỹ - tuyên bố nước này đã rơi vào suy thoái. Mọi thành quả của chứng khoán Mỹ kể từ khi ông nhậm chức ngày 20/1/2017 đã tiêu tan chỉ trong 1 tháng vì COVID-19. Lời hứa "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump ngày càng khó trở thành hiện thực.
Đối thủ ưa thích
Ông Trump không phải ứng cử viên tổng thống đầu tiên trong lịch sử mất đi cơ sở vững chắc nhất trong chiến dịch tranh cử của mình.
Nhưng trong chính trị Mỹ, có một câu nói nổi tiếng như sau: Nếu không thể thuyết phục được người khác rằng bạn là người tốt nhất, hãy thuyết phục họ rằng đối thủ của bạn là kẻ tệ nhất. Và đây là chiến lược ông Trump rất giỏi sử dụng.
Trong bài phát biểu kêu gọi ủng hộ tại New Jersey cuối tháng 1/2020, ông Trump tuyên bố "Mọi người Mỹ - bất kể anh ta có quan điểm chính trị thế nào – cũng đã phát chán với các chính trị gia cấp tiếp, cánh tả theo khuynh hướng chủ nghĩa xã hội".
Chính trường Mỹ thường được chia làm hai phe là cánh tả và cánh hữu. Đảng Dân chủ thường được coi là thuộc cánh tả, ủng hộ mở rộng qui mô chính quyền, nâng cao vai trò của nhà nước, ban hành thêm các đạo luật giám sát, can thiệp sâu vào nền kinh tế.
Ông Trump tuyên bố rằng Đảng Dân chủ "chưa bao giờ cực đoan như hiện tại", nói thêm rằng: "Những người này điên rồi. Giờ họ đang nghe theo lời khuyên của những kẻ như Bernie Sanders."
Vào thời điểm ông Trump đưa ra lời phát biểu này, ông Sanders đang dẫn trước các ứng viên khác của Đảng Dân chủ với một khoảng cách khá xa.
Ông Bernie Sanders là một chính trị gia tự nhận theo tư tưởng dân chủ xã hội (democratic socialist). Ông Sanders cam kết nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông sẽ tiến hành thực hiện hàng loạt các chương trình phúc lợi rộng rãi: từ bao trả chi phí y tế (Medicare For All) cho người dân cho đến xóa bỏ các khoản nợ sinh viên.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những chính sách của mình sẽ cần đến hàng chục nghìn tỉ USD để thực hiện. Theo ước tính của bàn thân ông Sanders, chương trình bao trả chi phí ý tế sẽ làm tăng chi ngân sách liên bang "khoảng 30.000-40.000 tỉ USD trong vòng 10 năm". Ông cũng tuyên bố sẽ tăng thuế và áp dụng các loại thuế mới để tài trợ cho những khoản chi này.
Chiến thắng của ông Sanders ở các bang tổ chức bỏ phiếu sớm là Iowa, New Hampshire and Nevada là tin rất tốt đối với ông Trump.
Rất lâu trước khi các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ bắt đầu, ông Trump đã lôi kéo sự ủng hộ với những lời khẳng định vô căn cứ rằng tất cả thành viên Đảng Dân chủ đều theo chủ nghĩa xã hội và sẽ phá hủy thị trường tự do.
Nếu ông Sanders trở thành ứng viên chính thức của Đảng Dân chủ, ông Trump sẽ có thể tùy ý đưa ra những tiên đoán u tối về tình hình kinh tế Mỹ nếu như một người theo chủ nghĩa xã hội trở thành người đứng đầu đất nước.
Ông Trump tuyên bố bản thân mình là người duy nhất có thể ngăn chặn viễn cảnh đó, và rằng bất kì cử tri nào không muốn nước Mỹ trở thành Venezuela thứ hai nên bầu cho ông.
Trong bài phát biểu Thông điệp liên bang tối 4/2, ông Trump thề rằng mình sẽ "không bao giờ để chủ nghĩa xã hội phá hủy hệ thống y tế nước Mỹ", một lời công kích trực tiếp đến kế hoạch Medicare for All của ông Sanders.
Trong buổi tối hôm đó và cả trong tuần kế tiếp, ông Sanders liên tục bỏ xa đối thủ đáng gờm nhất của mình trong Đảng Dân chủ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày 29/2, khi ông Biden giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử sơ bộ tại bang South Carolina. Ông Biden giành được 48,4% số phiếu bầu, bỏ xa kết quả của ông Sanders với 19,9% phiếu ủng hộ.
Kể từ đó đến nay, ông Biden đã giành được phần lớn số phiếu bầu của các cử tri và đại cử tri Đảng Dân chủ. Nhưng tin tốt đối với ông Biden lại là tin xấu đối với ông Trump.
Ông Matthew Barreto, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học UCLA nói: "Ông Trump đã rất hi vọng sẽ đối đầu trực diện với ông Bernie Sanders và chơi lá bài "chủ nghĩa xã hội", nhưng kế hoạch này đã sụp đổ".
"Cựu Phó Tổng thống Biden sẽ là một đối thủ rất đáng gờm, vì ông ấy có nhiều kinh nghiệm tại Nhà Trắng hơn hẳn ông Trump".
Thậm chí, ông Biden còn có kinh nghiệm thực tiễn trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính quốc gia. Đây chính là lợi thế độc đáo của ông ấy để thách thức các quyết định của ông Trump.
Giáo sư Barreto nói: "Ông Biden sẽ nói nhiều về vai trò của ông ấy trong việc thúc đẩy gói kích thích kinh tế năm 2009 dưới thời chính quyền Obama".
"Cuộc suy thoái năm 2008 rất nghiêm trọng. Hầu hết các nhà kinh tế học khi nhìn lại quá khứ đều đánh giá rất cao chính quyền Obama trong việc ổn định lại nền kinh tế. Và ông Biden đã đóng góp cho thành công đó".
Giờ đây, chiến dịch tái tranh cử của ông Trump sẽ cố gắng gán ghép tư tưởng chính trị của ông Sanders với cựu Phó Tổng thống Mỹ.
Bà Kayleigh McEnany, một trong những người phát ngôn chiến dịch tranh cử hàng đầu của ông Trump nói: "Những người theo Đảng Dân chủ đang lựa chọn giữa hai chính trị gia có khuynh hướng cực tả, cả hai đều muốn mở cửa biên giới nước Mỹ, phá hủy hàng triệu việc làm bằng cách loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và chống đối các lệnh hạn chế đi lại" nhằm ngăn chặn sự lan truyền của COVID-19.
Bà McEnany tiếp tục đánh đồng hai ứng cử viên Đảng Dân chủ, nói rằng: "Cả ông Bernie và ông Biden đều sẽ lật đổ nền kinh tế kiểu Trump. Hai người họ đều không có đủ năng lực lãnh đạo để đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch. Tổng thống Trump đang vận dụng nguồn lực của toàn bộ nước Mỹ để chống lại căn bệnh này".
"Kẻ thù vô hình"
Giờ đây chính quyền Trump đang đề xuất một gói kích thích trị giá 1.000 tỉ USD do chính phủ quản lí để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Nhưng chính điều này lại mâu thuẫn với một luận điểm quan trọng khác trong chiến dịch tranh cử của ông.
Từ trước, ông Trump luôn khẳng định mình đang chiến đấu chống lại "một chính phủ can thiệp quá nhiều vào thị trường tự do", "một hệ thống chính trị gian lận" mà ông cho rằng đang bị kiểm soát bởi Đảng Dân chủ, giới truyền thông, "một chính quyền ngầm điều khiển nước Mỹ", nạn tham nhũng và lợi ích nhóm ở Washington.
Năm 2016, ông Trump chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng một phần vì những người ủng hộ tin rằng ông sẽ loại bỏ một tầng lớp thống trị bao gồm những nhà vận động hành lang và các nhà kĩ trị, xóa bỏ nạn tham nhũng và "giảm qui mô hệ thống chính quyền liên bang quan liêu".
4 năm sau, quả thực bộ máy cơ quan liên bang đã bị thu hẹp, kết quả của chủ trương "làm gọn chính phủ", cắt giảm ngân sách, tinh giản biên chế và hạ thấp tinh thần làm việc.
Nhưng giờ đây, chính quyền Trump lại tung hô cách tiếp cận "sử dụng sức mạnh của toàn bộ chính phủ" để chiến đấu với đại dịch COVID-19.
Sau nhiều tuần nỗ lực thuyết phục người dân Mỹ "đừng lo lắng" trước sự nguy hiểm của COVID-19, giờ đây ông Trump lại quay ngược 180 độ, nhận hết mọi công trạng của các nỗ lực đối phó với virus corona chủng mới của chính phủ liên bang, và công kích bất kì tin tức nào chỉ trích các biện pháp của chính phủ.
Nhưng việc tự biến mình từ chiến binh đấu tranh với một chính phủ quan liêu và kém hiệu quả thành người lãnh đạo đầy quyền năng của chính phủ là điều không hề dễ dàng.
HIện giờ, khi cần tới sự hỗ trợ từ chính phủ hơn bao giờ hết, ông Trump đang phải nếm trải đắng của việc liên tục cắt giảm nguồn nhân lực của chính quyền liên bang trong suốt ba năm tại vị.
Tuần trước, ông Trump đã phải hứng chịu sự công kích vì đã để văn phòng y tế toàn cầu của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng đóng cửa năm 2018. Đây chính là văn phòng mà đáng lẽ ra sẽ chịu trách nhiệm điều phối các biện pháp ứng phó trong trường hợp dịch bệnh nổ ra ở nước Mỹ.
Đến sáng ngày 22/3, Mỹ đã trở thành ổ dịch lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Italy. Tổng số ca nhiễm COVID-19 lên tới hơn 25.800 người. Tổng số người chết vì dịch bệnh là hơn 300 người.
Khi một phóng viên hỏi về việc đóng cửa văn phòng này, ông Trump trở nên bối rối, gọi câu hỏi đó là "khó chịu", và nói rằng bản thân ông không biết gì về việc này.
Ông Trump trả lời "Có lẽ chính quyền đã ra quyết định như thế". Thật mỉa mai: Tổng thống Mỹ đang đổ lỗi cho bộ máy do chính mình xây dựng.
Ông Trump đang tự tạo ra hai hình ảnh trái ngược của bản thân mình. Trước khi COVID-19 bùng phát, ông Trump gắn liền với hình ảnh một vị tổng thống kiên quyết không bao giờ phân phát nguồn lực của chính phủ miễn phí cho người dân, và không tin tưởng các viên chức làm công ăn lương.
Không ai có thể ngờ được cùng một vị tổng thống đó giờ lại đang muốn "phát không" tiền mặt cho người dân, 1.000 USD với mỗi người lớn và 500 USD với mỗi trẻ em.
Sáng 18/3, ông Trump đăng tweet: "Thông báo đến với những người phải nghỉ việc vì các chính sách nhằm kiềm chế dịch bệnh quan trọng và cần thiết, ví dụ như đóng cửa khách sạn, quán bar và nhà hàng: các bạn sẽ sớm được nhận tiền".
Ông Galston, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Brookings miêu tả ngắn gọn những khó khăn của ông Trump hiện tại: "Lúc cần đến sức mạnh của chính phủ thì ông Trump không còn ghét chính phủ nữa".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/