|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chứng khoán suy giảm, suy thoái cận kề, khẩu hiệu 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại' còn giúp được ông Trump tái đắc cử Tổng thống 2020?

06:40 | 22/03/2020
Chia sẻ
Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump được lập ra dựa trên giả định rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục vững mạnh cho đến hết cuộc bầu cử vào tháng 11/2020. Nhưng khi nền kinh tế đang gần kề suy thoái do tác động của COVID-19, ông Trump sẽ khó có thể thuyết phục cử tri tin tưởng vào các chính sách của mình.
Chứng khoán suy giảm, suy thoái cận kề, liệu ông Trump còn có thể lặp lại lời hứa 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại'  trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Buổi tối 4/2/2020 có lẽ là đỉnh cao trong nhiệm kì tổng thống của ông Trump. Bài phát biểu thông điệp Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện quốc hội của ông tràn ngập sự tự tin, nhấn mạnh các thành tựu quan trọng mà chính quyền ông đã đạt được.

Bài phát biểu cũng phản ánh sự lạc quan của ông Trump đối với nền kinh tế số một thế giới. Các cuộc khảo sát cho thấy rất nhiều người dân Mỹ cũng đã có chung suy nghĩ với tổng thống đương nhiệm. Trong hai tháng đầu năm 2020, thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Theo CNBC, trong buổi chiều hôm đó, chỉ số Nasdaq tăng lên mức kỉ lục 9.467 điểm. Cùng ngày, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa với 28.807 điểm - trên đà tăng tới mức đỉnh lịch sử 29.551 điểm sắp được thiết lập vào ngày 12/2.

Nền kinh tế không phải lí do duy nhất đáng ăn mừng với ông Trump trong tối 4/2. Ông cũng biết rằng ngày hôm sau mình sẽ được tuyên trắng án trong phiên xử luận tội ở Thượng viện Mỹ, nơi các thành viên Đảng Cộng hòa chiếm đa số.

Với chiến thắng trong phiên xử luận tội cầm chắc trong tay và tỉ lệ ủng hộ cao nhất trong suốt ba năm giữ chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, có vẻ như ông Trump sẽ dễ dàng tái đắc cử thêm một nhiệm kì nữa.

Chứng khoán suy giảm, suy thoái cận kề, liệu ông Trump còn có thể lặp lại lời hứa 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại'  trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020? - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump phát biểu thông điệp Thông điệp Liên bang 2020 trước Quốc hội Mỹ ngày 4/2. Ảnh: Reuters

Nhưng giờ đây, ông Trump khó có thể giữ lời hứa "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" - khẩu hiệu được ông thường xuyên sử dụng để kêu gọi sự ủng hộ của người dân Mỹ từ trước và sau khi trở thành tổng thống. 

Hôm 18/3, chỉ số Dow Jones giảm thấp hơn mức đóng cửa ngày 19/1/2017, một ngày trước khi ông Trump nhậm chức với lời hứa "đưa nước Mỹ giàu có trở lại".

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán phản ánh nỗi lo lắng về triển vọng của kinh tế Mỹ. Đại dịch COVID-19 đã khiến một bộ phận lớn của nền kinh tế Mỹ phải cắt giảm hoặc ngừng hoạt động, đẩy nước này rơi vào tình cảnh khó tránh khỏi một cuộc suy thoái.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 21/3, COVID-19 đã khiến hơn 19.285 người nhiễm bệnh và hơn 200 người tử vong tại Mỹ.

Thị trường chứng khoán rơi vào cảnh biến động không ngừng. Số người thất nghiệp trong tuần trước tăng vọt, và có khả năng sẽ tiếp tục lên cao do nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và không thể trả lương nhân viên.

Các kết quả khảo sát hiện giờ đang cho thấy rằng các cử tri có đặt nhiều lòng tin vào chính phủ liên bang nói chung hơn là vào cá nhân ông Trump.

Khảo sát NBC/Wall Street Journal phát hiện rằng 62% số người trả lời cho biết họ tin tưởng vào cách chính phủ Mỹ đối phó với COVID-19. Trong khi đó, chỉ có 48% số trả lời nói rằng họ tin vào tổng thống đương nhiệm.

Chấm dứt tăng trưởng, rơi vào suy thoái?

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 4/2/2020, ông Trump tuyên bố: "Kể từ khi tôi đắc cử tổng thống, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 70%, đóng góp hơn 12.000 tỉ USD vào tài sản quốc gia, vượt xa tất cả dự đoán của mọi người".

Nền kinh tế Mỹ, theo lời ông Trump "đang tiến lên phía trước với một tốc độ mà chỉ một thời gian ngắn trước đó không ai có thể tưởng tượng được, và chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại".

Ngày 12/2, chỉ 8 ngày sau khi ông Trump hứa hẹn với người dân Mỹ về một nước Mỹ sẽ liên tục phát đạt, chỉ số Dow Jones đóng cửa với số điểm kỉ lục 29.551.

Nhưng giờ đây, chưa đầy 8 tuần sau, sự hoảng loạn của nhà đầu tư trước đại dịch COVID-19 đã biến lời nói của ông Trump thành lời hứa hão. Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Dow Jones mất 35,2% so mức đóng cửa ngày 12/2. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 mất hơn 32% so với mức đỉnh lịch sử được thiết lập ngày 19/2/2020.

Ông Trump thường tuyên bố rằng thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tục thăng hoa trong nhiệm kì của mình. Nhưng các đợt bán tháo liên tục trong thời gian gần đây do giới đầu tư lo ngại về tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đã xóa sạch mọi thành quả của chứng khoán Mỹ kể từ khi ông nhậm chức ngày 20/1/2017.

Chứng khoán suy giảm, suy thoái cận kề, liệu ông Trump còn có thể lặp lại lời hứa 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại'  trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020? - Ảnh 3.

Nhiều nhà phân tích dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 5% trong quí II, do mọi nhà hàng, quán ăn, trường học, rạp chiếu phim và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vô thời hạn để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19.

Hôm 18/3, một nhà phân tích thuộc JPMorgan cảnh báo GDP quí II có thể giảm đến 14%.

Nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ đang trên bờ vực phá sản, hàng loạt các chuyến bay bị hủy do thiếu vắng khách hoặc bởi lệnh cấm của chính quyền. Hôm 16/3, ông Trump cảnh báo đại dịch có thể kéo dài đến tháng 8, hoặc thậm chí "còn lâu hơn thế".

Các nhà kinh tế và nhà đầu tư dường như đã mất hết hi vọng rằng nền kinh tế Mỹ có thể thoát khỏi suy thoái (được xác định là khi kinh tế tăng trưởng âm trong hai quí liên tục).

Giờ đây, câu hỏi họ đặt ra là đợt suy thoái do COVID-19 gây ra sẽ kéo dài trong bao lâu và nghiêm trọng đến mức nào.

Hôm 17/3, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đã nói với Thượng viện rằng nếu chính phủ không có một sự can thiệp lớn vào nền kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể lên đến 20% chỉ trong vài tháng.

Ngày hôm sau, Bộ trưởng Mnuchin nói rằng con số 20% là ước tính dựa trên "tình huống tồi tệ nhất", nhưng ông tin rằng nó sẽ không xảy ra trong thực tế.

Chứng khoán suy giảm, suy thoái cận kề, liệu ông Trump còn có thể lặp lại lời hứa 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại'  trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin phát biểu bên cạnh Tổng thống Trump trong cuộc họp báo ngày 17/3/2020, tuyên bố tỉ lệ thất nghiệp có thể lên tới 20% nếu Quốc hội không thông qua gói kích thích kinh tế 1.000 tỉ USD. Ảnh: Getty Images.

Nhưng dù tỉ lệ thất nghiệp của người Mỹ trong tương lai là tồi tệ hay thảm khốc, lịch sử chỉ ra rằng số liệu này sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến triển vọng tái đắc cử của ông Trump.  

Ông William Galston, một nhà nghiên cứu cao cấp về chính phủ tại Viện Brookings nhận xét "Sẽ rất khó để ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay" nếu như nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ông Galston nói "Tôi chưa từng thấy tiền lệ nào trong lịch sử nước Mỹ" mà một tổng thống được tái đắc cử khi mà ông ta đã để cho người dân thất nghiệp hàng loạt.

Bất chấp những cảnh báo nghiêm trọng về nền kinh tế, chiến dịch tranh cử của ông Trump trong 2020 vẫn ủng hộ "nền kinh tế kiểu Trump".

Bà Kayleigh McEnany, một trong những người phát ngôn chiến dịch tranh cử hàng đầu của ông Trump nói với CNBC: "Nền tảng cơ bản của nền kinh tế kiểu Trump rất vững chắc, và Tổng thống đang đảm bảo rằng người dân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục được sống trong một đất nước phồn vinh".

Bà McEnany nói rằng một vị tổng thống Đảng Dân chủ "sẽ đảo lộn nền kinh tế kiểu Trump". Sự lạc quan vô tận đối với triển vọng nền kinh tế từ lâu đã là một phần cốt lõi trong phong cách chính trị của ông Trump và những người ủng hộ ông.

Nhưng nền kinh tế hiện nay dường như không đem lại nhiều căn cứ để hỗ trợ niềm tin như thế.

Chứng khoán suy giảm, suy thoái cận kề, liệu ông Trump còn có thể lặp lại lời hứa 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại'  trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020? - Ảnh 4.

Tweet ông Trump đăng ngày 14/3: "Thị trường chứng khoán ngày hôm qua là phiên tăng mạnh nhất trong lịch sử!"

Quả thật, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều tăng điểm trong ngày 13/3. Tính theo tỉ lệ %, cả ba chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite đều ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.

Nhưng bài tweet của ông Trump không thể che giấu sự thật rằng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng hỗn loạn. Chứng khoán Mỹ lại tiếp tục đà lao dốc trong tuần này, đánh dấu tuần tệ hại nhất kể từ 2008. 

Ông Galston, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Brookings nói rằng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và mối nguy lớn về một cuộc suy thoái trong tương lai gần khiến cho thói quen đưa ra những phát biểu quá lạc quan về nền kinh tế của ông Trump ngày càng trở nên nguy hiểm.

Ông nói: "Giờ đây ông Trump sẽ phải cẩn thận để không phát biểu mâu thuẫn với thực tế mà người dân Mỹ nhìn thấy trước mắt và trải qua hàng ngày".

"Nếu một người là tổng thống, ông ta có thể nói bất cứ điều gì mình thích về Afghanistan, Iran hay trong một phiên tòa xét xử. Nhưng khi hàng chục triệu hộ gia đình đang gặp khó khăn hoặc phải đau đớn vì mất đi người thân, thì ông ta không thể đổi trắng thay đen và nói rằng mọi chuyện vẫn đang tốt đẹp được".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang