|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tháo điểm nghẽn khơi dòng vốn tỷ USD vào KKT Vân Phong

10:40 | 18/01/2021
Chia sẻ
Khánh Hòa đang hướng đến việc xây dựng đề cương về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Phong trong tương lai, tạo tiền đề để phát triển khu vực này.

Hơn 4,1 tỷ USD rót vào Khu kinh tế Vân Phong

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý KKT tế Vân Phong cho biết, đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút khoảng 158 dự án đầu tư với tổng vốn đăng kí khoảng 4,1 tỷ USD.

Tính riêng trong giai đoạn từ 2016-2019, KKT Vân Phong đã thu hút mới 41 dự án (33 dự án trong nước và 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án (10 dự án trong nước và 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 64.167 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết 08 đề ra (tối thiểu đạt 50.000 tỷ đồng).

Khu kinh tế Vân Phong sẽ có cơ chế đặc thù - Ảnh 1.

KKT Vân Phong đã thu hút khoảng 158 dự án đầu tư với tổng vốn đăng kí khoảng 4,1 tỷ USD. Trong ảnh, Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong. (Ảnh: Khải An).

Tuy vượt mục tiêu đề ra nhưng, kết quả thu hút đầu tư năm 2020 chưa đạt như kì vọng, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân chính là do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến công tác xúc tiến đầu tư cũng như thu hút đầu tư các dự án mới vào KKT và KCN. Một vấn đề khác là thủ tục thu hút đầu tư khá cồng kềnh và mất nhiều thời gian.

"Các dự án thu hút đầu tư chủ yếu tập trung tại KCN, đối với các dự án đầu tư có qui mô lớn, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên do vướng thủ tục lựa chọn nhà đầu tư (chưa đủ điều kiện đấu giá, đấu thầu) nên chưa triển khai được", ông Phi cho biết.

Khu kinh tế Vân Phong sẽ có cơ chế đặc thù - Ảnh 2.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD. (Ảnh: Khải An).

Cũng theo ông Phi, để tháo gỡ một số khó khăn trong thu hút đầu tư tại KKT Vân Phong, hiện tại, Ban Quản lý tập trung hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch Xây dựng KKT và quy hoạch các phân khu chức năng KKT để phát huy được các tiềm năng sẵn có của KKT Vân Phong và phù hợp với thực tế ; đồng thời đề xuất UBND tỉnh có một số kiến nghị gửi Thủ tướng liên quan đến KKT Vân Phong.

Đặc biệt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách cho khu kinh tế Vân Phong để tạo động lực thu hút đầu tư.

Sẽ có cơ chế đặc thù

Đáng chú ý, sau khi Thường trực tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương cho phép IPPG và đơn vị tư vấn phối hợp tham gia xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khu vực vịnh Vân Phong, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã tiến hành các bước cần thiết để nghiên cứu, xây dựng, định hướng chiến lược phát triển và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong sẽ có cơ chế đặc thù - Ảnh 3.

KKT Vân Phong sẽ có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư. (Ảnh: Khải An).

Cuối tháng 12/2020, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã làm việc với IPPG và Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Hà Nội, tập trung trao đổi các nội dung liên quan đến "Đề án cơ chế chính sách đặc thù phát triển KKT Vân Phong" để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Tuy nhiên, đại diện IPPG cho biết, qua nghiên cứu sơ bộ, đơn vị tư vấn nước ngoài nhận định, để có thể thu hút nhà đầu tư lớn, có thể cạnh tranh được với các đơn vị tương tự trong khu vực thì các cơ chế, chính sách phải có tính pháp lý ổn định, lâu dài và có tính vượt trội hơn so với luật pháp hiện hành.

Do đó, đơn vị tư vấn nhận thấy, cần thiết phải xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong ở tầm nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để đảm bảo các điều kiện này.

Liên quan đến vấn đề trên, Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong cho rằng ngoài cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, vấn đề pháp lý cũng rất quan trọng.

Khu kinh tế Vân Phong sẽ có cơ chế đặc thù - Ảnh 4.

Các chuyên gia cho rằng, để có thể thu hút nhà đầu tư lớn, có thể cạnh tranh được với các đơn vị tương tự trong khu vực thì KKT Vân Phong phải có các cơ chế, chính sách phải có tính pháp lý ổn định, lâu dài và có tính vượt trội hơn so với luật pháp hiện hành. (Ảnh: Khải An).

"Thời gian thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án sử dụng đất theo quy định hiện nay bình quân mất hơn 18 tháng. Nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục khác, một dự án phải mất từ 3-4 năm để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư (chưa kể thời gian xây dựng, giải phóng mặt bằng).

Điều này sẽ khó khuyến khích thu hút các nhà đầu tư đăng kí đầu tư vào KKT Vân Phong - là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn", ông Phi cho biết.

Đồng thời đề xuất, có thêm một đơn vị tư vấn trong nước để nghiên cứu, rà soát, so sánh với hệ thống pháp luật hiện tại. Từ đó, sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Theo đó, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý tổ chức họp để nghe đơn vị tư vấn báo cáo các nội dung liên quan về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển KKT Vân Phong.

Tuy nhiên, trước mắt, UBND tỉnh này đã đề nghị Ban Quản lý KKT Vân Phong làm việc với Tập đoàn IPPG và đơn vị tư vấn lên đề cương về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển KKT Vân Phong trong tương lai gửi Thường trực tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng và các sở, ngành liên quan nghiên cứu trước khi họp xem xét.

Một góc khu vực Nam Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong. (Ảnh: Khải An).

Khánh Hòa đặt mục tiêu xây dựng Vân Phong thành KKT ven biển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành khu vực kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tập trung xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050; xây dựng đề án cơ chế, chính sách đặc thù KKT Vân Phong.

Ngoài ra, Khánh Hòa sẽ tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút nhà đầu tư; tận dụng tất cả các nguồn lực của xã hội, sớm xây dựng Vân Phong thành KKT động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.

Khải An