|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bắc Vân Phong: Cho phép nhà đầu tư đề xuất ý tưởng, vẽ quy hoạch

14:44 | 24/05/2018
Chia sẻ
Chia sẻ về vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) cho biết, có nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm, tìm hiểu đầu tư vào Bắc Vân Phong, nhưng các nhà đầu tư này vẫn phải xem luật của ta có phù hợp với họ hay không rồi mới đưa ra quyết định.

Với những chuyển động gần đây của Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Đề án thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong có những thay đổi gì hay không, thưa ông?

Đề án thành lập khu Bắc Vân Phong được điều chỉnh và cập nhật liên tục trong suốt thời gian qua theo hướng sát với Dự thảo luật, trong đó quan trọng nhất là mô hình tổ chức. Trước đây là mô hình Trưởng đặc khu thì nay Đề án cũng đã điều chỉnh theo mô hình HĐND, UBND, Chủ tịch đặc khu và các cơ quan chức năng. Ngành nghề thu hút đầu tư vẫn tập trung vào những ngành dịch vụ, công nghệ cao gắn với biển.

bac van phong cho phep nha dau tu de xuat y tuong ve quy hoach
Ông Hoàng Đình Phi.

Riêng về cơ chế tài chính, do Bắc Vân Phong vẫn là mô hình cấp huyện nên để phát triển thành đặc khu, huyện cần trợ cấp về ngân sách. Bởi theo quy định của Dự thảo luật, đặc khu được giữ lại khoảng 10% nguồn thu tăng thêm thì sẽ không đảm bảo cho đặc khu trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng. Như năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương này chỉ là hơn 100 tỷ đồng. Như vậy, để phát triển được đặc khu, Bắc Vân Phong cần thêm nguồn tài chính từ sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược, tiền thu từ quỹ đất… bên cạnh nguồn thu từ ngân sách.

Nhưng để hút nhà đầu tư chiến lược hay thu được tiền từ quỹ đất, Bắc Vân Phong phải có đủ nguồn ngân sách để đầu tư vào hạ tầng ban đầu. Do đó, trong đề án, chúng tôi đề xuất cơ chế giữ lại 100% nguồn thu từ thuế XNK trong vòng 10 năm; giữ 100% toàn bộ nguồn thu trên địa bàn của đặc khu trong vòng 10 năm và giữ 50% và điều tiết 50% trở lại nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong vòng 5 năm kể từ ngày thành lập để đảm bảo tài chính cho đặc khu phát triển. Tuy vậy, đề xuất này vẫn đang trong quá trình xem xét.

Như vậy, bài toán đặt ra cho Bắc Vân Phong là tìm nhà đầu tư chiến lược. Quá trình này ở Bắc Vân Phong hiện đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi vẫn đang trong quá trình chờ quy hoạch vì Vân Đồn và Phú Quốc thì chuyển từ mô hình quy hoạch Khu kinh tế sang mô hình đặc khu, Bắc Vân Phong lại hoàn toàn khác.

Hiện nay, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đang quản lý khu vực phía Nam còn khu vực phía Bắc mới là nơi được lựa chọn để hình thành đặc khu với mô hình quản lý khác biệt. Do đó, Khánh Hòa chủ trương để nhà đầu tư chiến lược đề xuất, tức là thông qua các công ty tư vấn quốc tế để nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư.

Do đó, khi có quy hoạch thì sẽ có ngay nhà đầu tư vào Bắc Vân Phong. Đây chỉ là một trong những cách để Bắc Vân Phong tiếp cận nhà đầu tư lớn. Cách tiếp cận này cho phép nhà đầu tư đề xuất ý tưởng và vẽ quy hoạch. Dựa trên đề xuất này, tỉnh sẽ xem xét và đối chiếu với quy hoạch phát triển chung để ra quyết định cho phép dự án triển khai hay cho phép ở mức độ nào, điều chỉnh ra sao. Dự án được chấp nhận sẽ được tích hợp vào đề án quy hoạch chung của đặc khu.

Hiện có rất nhiều nhà tư vấn quốc tế vào đặt vấn đề với Khánh Hòa nhưng chúng tôi vẫn đang trong quá trình lựa chọn, mới dừng ở bước phê duyệt đề cương, nhiệm vụ, dự toán và đang bước vào giai đoạn chấm điểm. Trình tự này đã được quy định rất rõ trong văn bản 8489/2017 mà Khánh Hòa trình Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa trong đó nguồn xã hội hóa là chủ yếu.

Xin ông cho biết sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược với Bắc Vân Phong như thế nào?

Trước đây có rất nhiều tập đoàn, DN hàng đầu thế giới đến Khánh Hòa tìm hiểu đầu tư. Đó là các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cảng biển, công nghiệp… Khoảng hơn 30 đoàn DN lớn thế giới đã vào Khánh Hòa, có người đứng đầu tập đoàn, có cả giới chức chính trị… nhưng tất cả đều chờ luật của ta từ năm 2012 đến giờ.

Hiện nay, ta khởi động lại, họ vẫn phải xem luật của ta có phù hợp với họ hay không rồi mới đưa ra quyết định. Hơn nữa, các tập đoàn lớn thường không tự tìm hiểu mà sẽ thông qua các công ty tư vấn quốc tế và khi tư vấn “dọn đường”, họ sẽ có mặt để đầu tư.

Hiện Khánh Hòa có đang nhắm đến nhà đầu tư chiến lược nào không, thưa ông?

Hiện giờ dù có rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng tỉnh vẫn chưa quyết định nhà đầu tư chiến lược vì chỉ với Dự thảo luật thì việc xác định nhà đầu tư chiến lược hiện nay còn chưa rõ. Hiện nay, Dự luật quy định các nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư có dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển của đặc khu, quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng; hoặc thuộc danh sách 500 DN, tập đoàn lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Tạp chí Forbes, có dự án quy mô 6.000 tỷ đồng và giải ngân vốn trong thời hạn 3 năm. D

ù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng theo tôi quy định như vậy là nhằm đảm bảo năng lực tài chính và triển khai chứ không phải chỉ đăng ký dự án để hưởng ưu đãi hay nhằm giữ đất.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hiền (ghi)