|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thái Lan và Việt Nam nhất trí tăng giá gạo xuất khẩu

16:19 | 05/09/2022
Chia sẻ
Thái Lan và Việt Nam, hai quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, vừa đạt được thỏa thuận cùng tăng giá gạo xuất khẩu nhằm giúp đỡ nông dân trồng lúa và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Theo Bangkokpost, chính phủ Thái Lan cho biết quốc gia này và Việt Nam đã đạt thỏa thuận cùng hợp tác tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sri-on cho biết cả hai quốc gia sẽ ngay lập tức thành lập các nhóm đặc biệt để thúc đẩy thỏa thuận hợp tác này.

Ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn của Bộ trưởng Chalermchai Sri-on, vừa được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán giá của Thái Lan. Cùng lúc, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã sẽ tổ chức các cuộc họp với hiệp hội nông dân, nhà xay xát, nhà xuất khẩu và các nhóm liên quan khác.

Tại các cuộc họp trong tương lai, các bên sẽ thảo luận chi tiết của thỏa thuận để nắm được các bước triển khai tiếp theo nhằm tăng giá gạo xuất khẩu, phù hợp với việc chi phí sản xuất tăng cao hiện nay.

Ông Chalermchai nói: “Thỏa thuận mới là bước đầu tiên để Thái Lan và Việt Nam có thể giúp nông dân có được giá xuất khẩu phù hợp hơn, bằng cách sử dụng cơ chế định giá trên thị trường toàn cầu".

Trong khi nông dân trồng lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng kép là đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga-Ukraine, giá gạo trên thị trường toàn cầu chỉ biến động nhẹ.

Vị bộ trưởng cho biết Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới và Việt Nam, nhà xuất khẩu lớn thứ hai, sẽ chung tay đàm phán để giá gạo trên thị trường toàn cầu tăng hợp lý.

Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới với tổng khối lượng 19,5 triệu tấn, trong khi Việt Nam và Thái Lan xuất khẩu lần lượt 6,2 và 6,1 triệu tấn.

Ông nói thêm, Thái Lan đã đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, Thái Lan đã xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo, trị giá 70,34 tỷ baht, tăng 58,2% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ tăng khoảng 34% về giá trị.

Để thực hiện thỏa thuận, Thái Lan và Việt Nam tiếp theo sẽ hướng tới việc tạo ra một cơ chế đàm phán, đồng thời cố gắng thuyết phục thêm các nước xuất khẩu gạo tham gia thỏa thuận ​​này.

"Thúc đẩy giá gạo tăng đến một mức phù hợp là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nước trồng và xuất khẩu gạo. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến việc trồng lúa và sản lượng lúa trên toàn thế giới, các bên cần chung tay để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu", ông Alongkorn nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho rằng trong khi chiến sự Nga-Ukraine khiến chi phí trồng lúa tăng lên, giá gạo lại không tăng tương xứng. Hiện tại, chi phí sản xuất lúa gạo ở Thái Lan đã tăng gần gấp đôi từ 4.500 - 5.000 baht/tấn cách đây hai nămlên 7.500 - 8.000 baht/tấn.

Ông Pramot Charoensin, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan, cho biết điều mà nông dân thực sự cần là sự giúp đỡ từ chính phủ để giảm chi phí sản xuất và giá gạo công bằng hơn.

Tình hình của Việt Nam khả quan hơn Thái Lan một chút vì chi phí lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thấp hơn khoảng 100 USD/tấn (tương đương 3.600 baht) so với của Thái Lan.

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan cho biết ông hoan nghênh hợp tác Thái-Việt về giá gạo, nhưng cảnh báo rằng Ấn Độ vẫn có tiếng nói lớn nhất trong việc định giá gạo trên thị trường toàn cầu do vị thế là nước xuất khẩu hàng đầu.

Do đó, nếu chỉ riêng Thái Lan và Việt Nam bắt đầu bán gạo với giá cao hơn nhiều, các nước nhập khẩu gạo có thể tìm tới Ấn Độ.

Ông Rangsan Sabaimuang, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy xay xát gạo Thái Lan, cũng ủng hộ việc giá cả công bằng hơn cho các bên nhưng ông nghi ngờ liệu nỗ lực cuối cùng có thành công hay không.

"Những nỗ lực của các bên trên toàn cầu nhằm hướng tới giá cả nông sản công bằng hơn chưa bao giờ thành công trong 3-4 thập kỷ qua", ông nói.

Như Huỳnh