Taxi truyền thống 'quyết đấu' taxi công nghệ
Hai hãng taxi TP HCM muốn sáp nhập để cạnh tranh Grab |
Tài xế Vinasun tập huấn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn châu Âu. Ảnh: VINASUN |
Đánh vào điểm yếu của đối thủ
Hơn 2 năm “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt Nam với sự xuất hiện đầu tiên của Uber, các hãng taxi công nghệ đã tận dụng triệt để chiêu thức khuyến mãi, giảm giá, chấp nhận bù lỗ nghìn tỉ để đè bẹp những "ông lớn" trong ngành vận tải truyền thống trong nước. Dù tích cực áp dụng công nghệ thông tin, giữ giá bình ổn nhưng các hãng taxi truyền thống vẫn vật vã trong cuộc chiến ngay cả khi Uber rút lui, để lại một mình Grab.
Một mình một chợ, Grab bắt đầu làm dấy lên nỗi lo độc quyền khi liên tiếp bị phản ảnh tăng giá cước vô tội vạ, thái độ phục vụ của nhân viên ngày càng đi xuống. Lợi dụng lúc hình ảnh của đối thủ đang lung lay, các hãng taxi truyền thống đã đồng loạt tung “đòn phản công”.
“Anh cả” Vinasun đang theo chiến lược đánh mạnh vào chất lượng lái xe - một trong những yếu tố được các chuyên gia đánh giá là điểm yếu của taxi công nghệ sau hàng loạt các bên bối như tài xế Grab quấy rối bé 9 tuổi; tài xế Grab chửi khách hàng ngu vì lên xe không chào...
Vinasun đang tổ chức cho hơn 10.000 tài xế được huấn luyện nghiệp vụ theo tiêu chuẩn châu Âu từ ngày 18.6 - 10.7. Địa điểm huấn luyện khá linh hoạt tại các công viên, cây xăng thuộc khu vực trung tâm TP.HCM, với sự tham gia của 10 giảng viên là người nước ngoài và 10 giảng viên Vinasun. Trong 16 ngày diễn ra chương trình huấn luyện, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT của công ty cũng sẽ tham gia huấn luyện nghiệp vụ cho lái xe cùng các giảng viên.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc - kiêm Giám đốc taxi Vinasun chia sẻ: “Trước áp lực cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp taxi công nghệ nước ngoài, đồng thời bản thân công ty cũng muốn thay đổi hình ảnh lái xe Vinasun trong mắt người tiêu dùng, chúng tôi đã hợp tác với nhiều chuyên gia và giảng viên người nước ngoài để huấn luyện cho lái xe phong cách phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới khách hàng sẽ đón nhận Vinasun Taxi với một phong cách mới, tài xế chuyên nghiệp, thân thiện hơn. Các dịch vụ và tiện ích cho khách hàng không thua kém gì các công ty nước ngoài”.
Trước đó, Vinataxi - hãng vận tải chiếm thị phần lớn thứ 3 tại TP.HCM cũng đã thông tin kế hoạch sáp nhập với ComfortDelGro Savico Taxi - doanh nghiệp vừa thông báo tạm ngừng hoạt động vào cuối tháng 3 vì liên tiếp gặp khó khăn trong vài năm trở lại đây trước sự cạnh tranh gay gắt của Uber - Grab. Cái bắt tay này nhằm hợp lực sức mạnh, mở rộng quy mô, tăng nguồn lực của Vinataxi để hướng tới mục tiêu giành lại thị phần, đạt kế hoạch tăng trưởng gấp 6 lần năm trước.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Chị Quỳnh Chi (Q.Tân Bình) cho biết từ khi có sự xuất hiện của Uber, Grab, chị là khách hàng ruột của taxi công nghệ vì vừa tiện lợi, vừa rẻ hơn rất nhiều. Trước đó, chị luôn có ấn tượng không đẹp với taxi truyền thống vì “độc quyền”, giá chỉ có tăng không có giảm, nhiều tài xế có thái độ thiếu lịch sự, coi thường khách. Tuy nhiên, chị Chi đánh giá thời gian gần đây dịch vụ của taxi truyền thống có sự chuyển biến rõ rệt.
“Các bác tài có vẻ trọng khách hơn, rồi cũng có ứng dụng hiện giá trước, không còn trường hợp chạy lòng vòng câu tiền của khách. Trong khi đó giá của Grab trồi sụt lên xuống liên tục, nhiều khi rất khó chịu. Vào giờ cao điểm có khi còn cao gần gấp đôi taxi truyền thống. Vì thế cứ cao điểm hoặc khi nào gấp thì lại đi taxi truyền thống. Vẫy nhanh, giá ổn định và mấy anh tài xế chạy cũng chuyên nghiệp hơn” - chị Chi nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, so với các doanh nghiệp vận tải nước ngoài như Grab, doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế về nguồn lực, công nghệ. Tuy nhiên chúng ta lại có lợi thế là sở hữu lượng tài xế chuyên nghiệp, đảm bảo tối đa an toàn cho khách hàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang có tâm lý “sợ” Grab độc quyền nên bất cứ chuyển biến tích cực nào cũng sẽ dễ dàng được đón nhận.
“Các doanh nghiệp vận tải cần đầu tư để có hệ thống công nghệ hiện đại, đặc biệt đánh mạnh vào yếu tố an toàn, cải thiện chất lượng dịch vụ. Bên nào cũng có những ưu và nhược điểm riêng. Cuộc chiến càng gay gắt, người tiêu dùng càng được hưởng lợi” - ông Nghĩa nhận định.