|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Lazada Logistics: Muốn dùng xe điện để giao hàng nhưng bị coi là 'điên', 9 lần thất bại mới tìm ra hướng đi

11:04 | 04/03/2022
Chia sẻ
CEO Lazada Logistics Việt Nam Vũ Đức Thịnh đã chia sẻ lại câu chuyện không từ bỏ dù mất tới 9 lần thử nghiệm mới tìm được một sản phẩm xe điện "có thể dùng được" trong việc giao hàng.

Mới đây, xuất hiện trên sóng chương trình CafeTalk số 09 với chủ đề "Người vận chuyển", ông Vũ Đức Thịnh – Giám đốc Lazada Logistics đã có dịp kể lại hành trình 7 năm vui buồn trên thị trường giao vận.

Ông Thịnh từng theo học ngành luật, nhưng quyết định làm luận án thạc sĩ ngành logistics. Dù vậy, ông lại bắt đầu hành trình s nghiệp bằng ba năm tại một cơ quan nhà nước. Sau đó, ông Thịnh bắt đầu chuyển qua lĩnh vực logistics và đã theo chân ngành này được 20 năm.

Lazada Logistics và thị trường logistics Việt Nam

CEO Lazada Logistics: Muốn dùng xe điện để giao hàng theo xu hướng toàn cầu nhưng bị coi là 'điên', 9 lần thất bại mới tìm ra hướng đi - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Thịnh, CEO Lazada Logistics Việt Nam. (Ảnh: Dân trí).

Về công việc đang làm, ông Thịnh cho biết mọi thứ giống như đang làm startup. "Startup rất vất vả. Công việc logistics giống như có con mọn, mình phải làm từ những chi tiết nhỏ. Mức độ phức tạp của công việc rất lớn nên mình phải lao vào để tìm hiểu", lãnh đạo Lazada Logistics khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Thịnh khẳng định để làm được công việc liên quan đến logistics, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực này cần nhiều sự đam mê. "Tôi thường nói vui với mọi người rằng tôi có ba đứa con và Lazada Logistics giống như đứa thứ 4, cũng phải chăm bẵm và nuôi nấng kể từ ngày đầu thành lập. Hành trình 7 năm để tôi cùng mọi người xây dựng Lazada Logistics như ngày nay không phải là quá dài, nhưng cũng không phải là ngắn", ông Thịnh chia sẻ.

Nhận định về thị trường logistics Việt Nam, ông Thịnh cho biết: "Trong giai đoạn 5 – 10 năm qua, logistics Việt Nam có những bước phát triển mạnh. Logistics thì rất rộng. Giai đoạn 5 – 7 năm gần đây, logistics bắt đầu chuyển dịch nhiều hơn sang hình thức E-logistics (logistics ứng dụng công nghệ). Điều này đã hỗ trợ cho sự hiệu quả trong ngành logistics".

Ngoài ra, ông chia sẻ thêm rằng kể từ sau khi Lazada vào Việt Nam, lĩnh vực logistics dành riêng cho thương mại điện tử, khác với logistics truyền thống, cũng đã dần phát triển.

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020, Việt Nam đã xếp thứ 40 trên tổng số 160 quốc gia về chỉ số năng lực logistics. Bên cạnh đó, theo báo cáo mới nhất năm 2022 của Agility, ngành logistics Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 11 trong số các quốc gia mới nổi. "Rõ ràng chúng ta thấy năng lực về logistics của Việt Nam đang phát triển một cách rất nhanh và mạnh", ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của ông Thịnh, thời điểm Lazada mới vào thị trường Việt Nam, có rất ít đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Vì vậy, Lazada gần như là "người tiên phong".

Ngay từ thời điểm ban đầu, công ty xác định rằng để phát triển ngành thương mại điện tử, cần chú trọng đầu tư vào hai yếu tố: Công nghệ và logistics. Để đầu tư vào logistics có nhiều cách. Một số đơn vị chọn cách mua lại các doanh nghiệp logitics hiện hữu. Tuy nhiên, Lazada lại chọn cách phát triển một nhánh riêng cho logistics, đòi hỏi một tầm nhìn rất xa.

"Để xây dựng một bộ phận logistics cần nhiều công sức và vốn, kết hợp với tầm nhìn xa. Nếu không có một tầm nhìn đúng, bộ phận logisitics sẽ không bao giờ vận hành tốt được bởi thương mại điện tử thay đổi rất nhanh", ông Thịnh cho biết.

Khó khăn trên con đường xây dựng doanh nghiệp

CEO Lazada Logistics: Muốn dùng xe điện để giao hàng theo xu hướng toàn cầu nhưng bị coi là 'điên', 9 lần thất bại mới tìm ra hướng đi - Ảnh 2.

Nhân viên Lazada đang giao hàng trên xe máy điện. (Ảnh: Thanh niên).

"Chắc chắn trong quá trình xây dựng chúng tôi có nhiều sai xót. Ai cũng vậy thôi, mới đầu phải lo câu chuyện cơm áo gạo tiền, sau đó mới có thể nghĩ đến chuyện phát triển. Lazada Logistics cũng không phải ngoại lệ", CEO Lazada Logistics chia sẻ về sự khó khăn khi xây dựng doanh nghiệp.

Ông khẳng định rằng trong kinh doanh, không có con đường nào là bằng phẳng và công việc nào cũng sẽ có lúc gặp khó. "Có đôi lần tôi nghĩ rằng "thôi phải bỏ", nhưng sau đó ngồi nói chuyện với mọi người, tôi lại nghĩ rằng "mình cố gắng cùng nhau vượt qua", ông Thịnh cho biết.

Một trong những câu chuyện về việc cố gắng vượt qua khó khăn được CEO Lazada Logistics kể lại đó là phát triển xe đạp điện để chở hàng.

"Xe đạp hay xe máy điện thì quá phổ biến rồi. Nhưng khi hỏi về xe điện để đi giao hàng thì gần như không ai làm. Tôi cứ đặt hàng xong rồi lại thất bại, cứ liên tục như vậy trong 9 lần mới ra được một sản phẩm "có thể sử dụng được". Sau đó, tôi phải đi tìm những thứ mà tôi không có chuyên môn, chẳng hạn như pin xe điện. Sau đó, tôi họp với cả ngân hàng và các quỹ để tìm hướng để đi. Rất may sau đó tôi đã tìm được đơn vị chịu làm sản phẩm cho Lazada Logistics", ông Thịnh chia sẻ.

Theo lãnh đạo Lazada Logistics, thời điểm ông đề ra ý tưởng về xe điện giao hàng, không ít người cho rằng đó là "sự điên rồ". Tuy nhiên, thời điểm này, các nhân viên Lazada Logistics đều háo hức và hay đặt ra câu hỏi liệu khi nào mới có thể dùng xe điện để giao hàng.

Thời điểm ban đầu, ai cũng nghĩ việc tạo ra một chiếc xe đạp điện để chở hàng là điều đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm, những khó khăn mới bắt đầu xuất hiện. Ngoài việc không có chuyên môn về xe điện nhưng vẫn phải dấn thân vào thị trường, ông Thịnh còn có mối bận tâm về hệ sinh thái bổ trợ, thứ mà một mình Lazada Logistics không thể làm được.

Trước khi bắt tay cùng đơn vị chịu làm xe đạp điện hiện tại, ông Thịnh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công cuộc tìm kiếm. Có những đơn vị rất lớn tìm hiểu nhu cầu của Lazada Logistics, nhưng họ lại từ chối vì họ tập trung vào cái khác.

"Có lúc tôi đi tìm các đơn vị startup vừa gọi được vốn để nói chuyện với họ, thì họ gợi ý rằng: "Anh làm đơn hàng 1.000 chiếc đi, bọn em sẽ sản xuất cho". Tôi trả lời rằng: "Bây giờ chúng tôi đang trong quá trình thử nghiệm, sao có thể đặt 1.000 chiếc được", ông Thịnh kể lại.

Cho tới khi tìm được đối tác, chốt các phương án với họ xong, cả hai bên tiếp tục xảy ra các vấn đề. Theo ông Thịnh, để thiết kế một chiếc xe đạp điện chuyên dụng chở hàng là điều rất khó. Các thiết kế phải phù hợp làm sao cho nhân viên có thể chở được những thùng hàng vừa đủ, không được nhỏ quá. "Có những lúc tôi hay nói vui rằng có khi mai mốt đi làm startup xe điện còn hơn", lãnh đạo Lazada Logistics chia sẻ.

Trong những thời điểm khó khăn, ông Thịnh khẳng định kinh nghiệm từ công ty mẹ của Lazada là gã khổng lồ Alibaba đã giúp công ty có thể đứng vững. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc vận hành logistics có sự khác nhau ở mỗi quốc gia.

Đồng thời, CEO Lazada Logistics cho biết sẽ không từ bỏ, và sẽ sớm đưa các loại xe điện vào vận hành trong thời gian tới.

Quốc Anh