|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tạo liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo

19:54 | 09/03/2018
Chia sẻ
Trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, vốn phục vụ sản xuất vẫn là khó khăn nhất đối với cả doanh nghiệp và nông dân.
tao lien ket ben vung trong san xuat va tieu thu lua gao Thất thoát sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL từ 3.000 - 3.500 tỉ đồng mỗi năm
tao lien ket ben vung trong san xuat va tieu thu lua gao Giá lúa gạo tại ĐBSCL tiếp tục giảm, có loại giảm tới 500 - 600 đồng so với đầu tháng 2
tao lien ket ben vung trong san xuat va tieu thu lua gao
Thu hoạch lúa vụ đông xuân tại huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Tại hội nghị “Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn, chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 9/3 tại Cần Thơ, đại diện Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cho biết, diện tích liên kết sản xuất lúa giữa nông dân với doanh nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng sản xuất lúa của vùng.

Tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp quá thấp, trong khi sự phát triển hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn, liên kết sản xuất tiêu thụ yếu, diện tích liên kết còn rất khiêm tốn so với tiềm năng đang là những trở lực đối với phát triển sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyên nhân được ông Tôn Thọ Nhân, Trưởng phòng Nông sản – Thực phẩm của Vinafood 2 chỉ ra là do nhiều nơi nông dân vẫn không muốn liên kết với doanh nghiệp. Cùng với đó là tình trạng hàng xáo đặt cọc tiền mua lúa và tranh mua với doanh nghiệp, nông dân bán ra bên ngoài mặc dù đã ký hợp đồng khiến tỷ lệ mua lúa theo hợp đồng còn thấp.

Theo báo cáo của Vinafood 2, năm 2017, diện tích thực hiện liên kết của công ty đạt 28.585ha, giảm hơn 10.000 ha so với năm 2016. Trong đó, sản lượng lúa mua theo hợp đồng chỉ đạt 30%. Đại diện Vinafood 2 cho rằng, nhận thức về hợp đồng liên kết sản xuất ở một số nông dân còn rất hạn chế, chưa muốn liên kết, sợ bị ràng buộc. Về phía các hợp tác xã thì một số liên kết với doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chưa chủ động, năng lực quản lý hợp tác xã còn yếu…

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Quyền Tổng Giám đốc Vinafood 2 cho biết, theo định hướng thì nhu cầu gạo thơm, gạo chất lượng cao và an toàn rất lớn, trong khi những năm vừa qua Việt Nam bán những loại gạo cấp trung bình, một số gạo chất lượng cao và thơm, nhưng thiếu sự ổn định.

Theo ông Nam, hiệu quả cần có sự gắn kết bền vững giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp thì không thể nào ký hợp đồng đơn lẻ với một vài nhà sản xuất là các hộ nông dân, phải là tổ chức quy mô như hợp tác xã mới thực hiện được.

Các doanh nghiệp cho rằng, một số hợp tác xã thực hiện liên kết có nhiều nỗ lực trong quản lý sản xuất, nhưng quyết định sản xuất và bán sản phẩm vẫn là nông dân. Điều này cho thấy, vai trò của hợp tác xã chưa đủ mạnh, chưa có tính thuyết phục nông dân làm theo, cũng do năng lực, hoạt động của nhiều hợp tác xã còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số nông dân chưa tuân thủ hợp đồng với doanh nghiệp, khi giá lúa tăng, có thị trường tiêu thụ thì bán ra bên ngoài. Hiện nay, tình trạng thương lái đặt cọc trước tiền mua lúa cho nông dân diễn ra khá phổ biến và nông dân vẫn bán lúa cho thương lái mặc dù đã ký hợp đồng với doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho rằng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, nhưng nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng để tổ chức sản xuất.

Theo ông Việt, cần sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và hợp tác xã đầu tư sản xuất. Cùng với đó, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thực hiện liên kết sản xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích để có nhiều doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng nông dân để tổ chức lại sản xuất.

Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cho hay, với việc thuê đất để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung tuy hiệu quả đem lại cho hợp tác xã không cao, nhưng góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, để mô hình sản xuất phát triển ổn định, bền vững, cần tạo điều kiện cho hợp tác xã được vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất…

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy đạt được một số thành công bước đầu, nhưng nhìn chung sự phát triển của các hợp tác xã và tổ hợp tác ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khâu tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn bày tỏ, nếu không giúp được hợp tác xã mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ thì các giải pháp khác (đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ xây dựng hạ tầng…) cũng không thể phát huy hiệu quả và các hợp tác xã tiếp tục rơi vào khó khăn.

Trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, vốn phục vụ sản xuất vẫn là khó khăn nhất đối với cả doanh nghiệp và nông dân. Hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng nhất để củng cố phát triển hợp tác xã kiểu mới hiện nay. Khi liên kết theo chuỗi giá trị này, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp cung ứng vật tư và cung cấp vốn có vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đóng vai trò trung tâm của các mối liên kết./.

Thanh Liêm