Tác phẩm (Work) là gì? Đặc điểm của tác phẩm
Hình minh họa: Tác phẩm (Nguồn: wiseGEEK).
Tác phẩm (Work)
Tác phẩm - danh từ, trong tiếng Anh có thể gọi là work, composition, creation hoặc product.
Theo qui định của Luật sở hữu trí tuệ, "Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kì phương tiện hay hình thức nào".
Qui định này hoàn toàn phù hợp với Công ước Berne: "Thuật ngữ "Các tác phẩm văn học và nghệ thuật" bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, được biểu hiện theo bất kì phương thức hay hình thức nào, chẳng hạn như sách, tập in nhỏ và các bản viết khác, các bài giảng, bài phát biểu;..."
"Tác phẩm là các sản phẩm trí tuệ do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được thể hiện bằng bất kì phương thức hay hình thức nào thông qua một dạng vật chất nhất định." (Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu Trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)
Đặc điểm của tác phẩm
Trước tiên, tác phẩm phải là sự sáng tạo trực tiếp, mang dấu ấn cá nhân của con người
Chủ thể của hoạt động sáng tạo là các tác giả thông qua quá trình hoạt động của trí não, kinh nghiệm của bản thân và các yếu tố hỗ trợ khác tạo ra thành quả chính là tác phẩm. Sự lao động sáng tạo trong lĩnh vực khoa học có những khám phá mới về xã hội, về cuộc sống, con người, nhân vật hoặc vấn đề mới, thể hiện tính độc đáo, sáng tạo trong quan niệm.
Chính vì lí do đó, tác phẩm hết sức đa dạng và phong phú, chứa đựng những giá trị tinh thần. Thời gian sáng tạo ra tác phẩm có thể dài hoặc ngắn phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh của bản thân tác giả.
Tác phẩm làm cho công chúng tiếp nhận được những nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định hay nói cách khác là thể hiện dấu ấn của cá nhân. Tuy nhuên, ngoài những giá trị tinh thần thì tác phẩm còn có khả năng mang lại những giá trị kinh tế - thương mại nên cần thiếp phải có sự bảo hộ đặc biệt.
Thứ hai, tác phẩm phải là sản phẩm trí tuệ do con người
Tác phẩm phải là sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là các dạng sản phẩm chỉ được hình thành bằng kết quả lao động của con người mà không chứa đựng một hàm lượng chất xám nhất định.
Thứ ba, tác phẩm là sản phẩm trí tuệ nguyên gốc mang đặc trưng riêng biệt của người sáng tạo
Công ước Berne và Luật Sở hữu trí tuệ qui định tác phẩm bảo hộ phải là tác phẩm gốc. Tác phẩm gốc là tác phẩm có xuất xứ trực tiếp từ quá trình lao động của tác giả mà không phải sao chép từ một sản phẩm đã có.
Việc xác định tác phẩm gốc trong từng lĩnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật dựa trên các căn cứ thể hiện quá trình lao động sáng tạo của tác giả, những điểm riêng thể hiện "chất riêng" do tác giả sáng tạo ra.
Thực tế, có những trường hợp sao chép, mà tác phẩm gốc và tác phẩm sao chép tương tự hoặc giống nhau dẫn đến việc người bình thường không thể nhận thấy. Để xác định tác phẩm gốc thì chính tác giả hoặc người có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó mới thực hiện được.
Thứ tư, tác phẩm mang đặc tính vô hình
Tác phẩm mang đặc tính vô hình, nên việc chiếm hữu tác phẩm cũng không thể là một phần trong các yếu tố xác nhận quyền sở hữu của người chiếm hữu tác phẩm.
Thứ năm, tác phẩm được thể hiện thông qua một dạng vật chất nhất định
Theo Luật sở hữu trí tuệ thì quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa, đã đăng kí hay chưa.
Dạng vật chất nhất định mà tác phẩm định hình được hiểu là thông qua đó công chúng biết đến sự tồn tại của tác phẩm. "Công chúng" là con người, nhưng con người này khác biệt với người sáng tạo nên tác phẩm, trong một nghĩa nào đó còn khác biệt với người thân của người sáng tạo nên tác phẩm.
Dạng vật chất nhất định mà tác phẩm được định hình có thể là chữ viết/các kí hiệu chữ viết, màu sắc... trên giấy/các chất liệu khác giấy, có thể là hình khối trên các chất liệu khác nhau, có thể là âm thanh, hình ảnh trên các chất liệu khác nhau. Nhìn chung khó có thể liệt kê tất cả các dạng vật chất mà tác phẩm được định hình. (Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu Trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)