|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sửa qui định về phòng, chống rửa tiền

16:35 | 18/09/2019
Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2013/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.
Sửa qui định về phòng, chống rửa tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Nghị định 116/2013/NĐ-CP đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền về các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. 

Theo đó, Nghị định 116 đã giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các đối tượng báo cáo triển khai thực hiện một số quy định của Luật phòng, chống rửa tiền, đưa Luật phòng, chống rửa tiền vào thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được chỉnh sửa, bổ sung để góp phần triển khai có hiệu quả cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.

Bổ sung quy định về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro

Đối với nội dung: Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, dự thảo Nghị định bổ sung khoản 5 Điều 6 như sau: Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố tại đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo được áp dụng các biện pháp đơn giản hóa trong việc nhận biết khách hàng đối với những khách hàng được xác định có mức rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố thấp. 

Đối tượng báo cáo quyết định áp dụng một hoặc tất cả các biện pháp đơn giản hóa sau:

a) Không cần thu thập thông tin về mục đích, bản chất mối quan hệ kinh doanh nếu có cơ sở nhận biết được mục đích và bản chất từ các loại giao dịch hoặc mối quan hệ kinh doanh đã được thực hiện, thiết lập.

b) Xác thực nhận dạng khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi sau khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh.

c) Giảm tần suất cập nhật nhận dạng khách hàng.

d) Giảm mức độ theo dõi và kiểm soát giao dịch.

Đối tượng báo cáo không được áp dụng biện pháp đơn giản hóa trong trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo yêu cầu của Khuyến nghị số 1 của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), các quốc gia cần tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố và cần yêu cầu các đối tượng có liên quan tiến hành đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố của đơn vị mình để từ đó đưa ra các biện pháp phòng, chống phù hợp, Khuyến nghị số 10 của FATF yêu cầu áp dụng các biện pháp đơn giản hóa đối với khách hàng có rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố được xác định ở mức thấp.

Về giao dịch liên quan tới công nghệ mới, để phù hợp với nhu cầu áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tài chính ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời phù hợp với thực trạng, năng lực của các đối tượng báo cáo. 

Dự thảo Nghị định đã sửa đổi Điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 116 theo hướng cho phép các đối tượng báo cáo lựa chọn một trong 2 hình thức: gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng; trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để nhận biết và xác minh khách hàng.

KL

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.