Đại gia sập bẫy cây ngoại tiền tỷ hay chiêu rửa tiền?
Buôn cây cũng như buôn bất động sản
Những năm gần đây Việt Nam xuất hiện nhiều cây cảnh ngoại nhập có giá lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng rất nhiều người mua về trồng đã phải nhận trái đắng vì cây tự nhiên bỏ cành, rụng lá mặc dù được cả chuyên gia sinh vật cảnh Nhật Bản chăm sóc.
Các đại gia trong giới cây cảnh như Trầm Bê, Minh Bình Dương, Toàn đô la, Bầu Kiên... cũng đã và đang trở thành nạn nhân của phong trào chơi cây cảnh ngoại nhập.
Theo tiết lộ của một đại gia có vườn Tùng Nhật Bản từng được mua với giá hàng chục tỷ đồng ở Bình Dương, có hẳn một nhóm buôn cây kết hợp với nhau để thổi phồng giá trị cây ngoại từ đó làm tăng giá trị của những loại cây này nhập về Việt Nam để bán được với giá cao.
"Chiêu trò thổi giá cây được sử dụng nhiều nhất là tạo ra các cuộc mua bán ảo. Tức là bên bán và bên mua quen biết hết nhau, họ cùng bỏ tiền ra và tung thông tin cuộc giao dịch cây ngoại từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng là ít.
Tiền thì vẫn là tiền thật nhưng tiền và cây vào túi ai thì lại là ảo. Cũng giống như giao dịch đất ảo vậy, qua khoảng 3 - 4 lần giao dịch như thế, các cây có giá chỉ khoảng vài trăm triệu đã được "thổi" giá lên con số hàng tỷ đồng" - vị đại gia này cho biết.
Vườn Tùng Nhật Bản của Trầm Bê đang chết dần chết mòn.
Theo vị đại gia này, những năm trước, giá trị của cây ngoại nhập được thổi phồng. Trong đó, nhiều người quan tâm nhất đến Tùng được nhập từ Nhật Bản về. Bởi, bản thân cây Tùng của Việt Nam sinh trưởng rất chậm, trong khi Tùng nhập từ Nhật Bản về lại sinh trưởng nhanh, trổ dáng sớm.
Nhưng sự thật khi đem về trồng ở Việt Nam, mặc dù nhiều nhà vườn thuê hẳn chuyên gia ngoại ăn, ngủ tại đó chăm sóc nhưng chỉ vài ba năm sau cây tự nhiên bỏ cành, bạc lá rồi... chết.
Có thể do sự khác nhau về khí hậu, vị trí địa lý gây hiện tượng trên. Nhưng theo vị đại gia này tìm hiểu sâu thì nguyên nhân chính đến từ việc cây ngoại nhập thường là cây mà nước ngoài trồng công nghiệp bán rẻ như cho, một bộ phận đầu nậu sang đó đưa về và thổi giá bán với giá cao.
"Như cây Tùng Nhật Bản khi nhập về Việt Nam thường là cây hàng thải, người ta trồng vô tội vạ. Còn nếu là Tùng lâu năm, cây cổ quý hiếm thì người Nhật Bản không bao giờ bán lại cho mình với bất kỳ giá nào" - vị này chia sẻ.
Một chiêu khác được giới đầu nậu dùng đổi thổi giá cây ngoại là thường tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày sinh vật cảnh cây ngoại.
Vị này phân tích: "Để bán được cây với giá cao thì phải nâng được tầm giá trị của nó, không chỉ thấy cho người ta thấy cây đó đẹp mà còn phải là quý, hiếm. Chính vì thế, phải có những buổi triển lãm rầm rộ.
Nhưng ít ai biết rằng, đứng sau các buổi triển lãm đó là một nhóm chuyên buôn cây ngoại, sẵn sàng bơm tiền lên đến hàng tỷ đồng để tổ chức. Thậm chí còn bỏ tiền thuê hẳn truyền thông viết bài, đăng tải trên báo chí hoặc các trang mạng để tung hô cây ngoại...".
Giá trị của cây ngoại đang bị đẩy lên cao gấp hàng chục lần so với thực tế.
Có hiện tưởng rửa tiền?
Trước việc nhiều đại gia của Việt Nam bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để mua một cây ngoại nhập, nhiều ý kiến cho rằng đây có thể chỉ là một chiêu rửa tiền.
Thông qua việc mua bán cây ngoại thì một lượng tiền lớn đã được đưa ra nước ngoài.
Trao đổi với Đất Việt, nhiều đại gia trong giới cây cảnh cho biết, cũng không loại trừ khả năng này. Bởi, người chơi cây không phân biệt tầng lớp, trong đó có cả những người là chủ tịch, giám đốc của một tập đoàn kinh tế lớn hoặc là cán bộ Nhà nước.
"Giá trị của nghệ thuật như cây cảnh thì thường khó xác định vì tùy vào con mắt nhìn của mỗi người.
Có người thích thì bỏ ra cả chục tỷ để mua nhưng có người không thích thì giá nào cũng coi đó như cành củi" - một chủ vườn cây ở Thường Tín, TP. Hà Nội nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Giang - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nếu với những cán bộ Nhà nước bỏ ra cả tỷ đồng để sở hữu cây ngoại thì cần phải làm rõ số tiền đó do đâu mà có.
Ông Giang cho rằng, với mức lương công chức như hiện tại ở Việt Nam thì phải mất tới hàng chục năm mới có thể sở hữu một cây cảnh giá tiền tỷ.
"Tôi còn biết có cả hiện tượng biếu, tặng cây trong các buổi lễ tân gia của quan chức. Những cây có giá trị cao được doanh nghiệp biếu tặng như một món quà nhưng lại khó xác định được giá trị món quà đó như thế nào nên rất khó xử lý" - ông Giang cho biết.