Sự đối lập trên thị trường lao động Mỹ: Làn sóng sa thải nhân sự lan rộng, nhưng nhiều công ty vẫn không thể tuyển được nhân viên
Tình trạng sa thải nhân sự đang gia tăng tại một số công ty lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều công ty khác vẫn đang tranh giành để tuyển dụng nhân tài. Đây là hệ quả của sự thay đổi trong các ưu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu cách đây ba năm, theo CNBC.
Một số ông lớn công nghệ như Meta (công ty mẹ Facebook), Amazon, Microsoft cùng với các công ty từ Disney cho tới Zoom đã công bố các đợt cắt giảm nhân sự trong vài tuần qua.
Tổng cộng, các nhà tuyển dụng có trụ sở tại Mỹ đã cắt giảm gần 103.000 việc làm trong tháng 1, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020, theo một báo cáo được công bố vào đầu tháng này từ công ty cung cấp việc làm Challenger, Grey & Christmas.
Trong khi đó, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 517.000 việc làm mới vào tháng trước, gần gấp ba lần con số mà các nhà phân tích mong đợi. Điều này cho thấy thị trường lao động vẫn còn khan hiếm, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ vốn bị ảnh hưởng nặng nề trước đó trong đại dịch, chẳng hạn như nhà hàng và khách sạn.
David Kelly, chuyên gia kinh tế tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết tất cả điều này đều là hệ quả do đại dịch COVID-19 gây ra. Một số nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng sự yếu kém trong một số lĩnh vực, căng thẳng trong ngân sách hộ gia đình, tiết kiệm giảm và lãi suất tăng cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng việc làm yếu kém trong một số lĩnh vực, đặc biệt nếu mức tăng của tiền lương không theo kịp lạm phát.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, tiền lương cho người lao động trong ngành giải trí và khách sạn đã tăng lên 20,78 USD/giờ trong tháng 1, so với chỉ 19,42 USD/giờ một năm trước đó.
Nhiều người sử dụng lao động đã phải đối mặt với những thách thức trong việc thu hút và giữ chân nhân viên trong vài năm qua, với những thách thức bao gồm nhu cầu chăm sóc trẻ em của người lao động và nơi làm việc cạnh tranh có thể có lịch làm việc và trả lương tốt hơn. Với việc lãi suất tăng và lạm phát tiếp tục ở mức cao, người tiêu dùng có thể giảm chi tiêu và gây ra tình trạng mất việc làm hoặc giảm nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực đang phát triển mạnh.
Aneta Markowska, chuyên gia kinh tế tại Jefferies cho biết: “Khi bạn mất việc, bạn không chỉ đơn thuần mất một công việc mà còn điều này còn gây ra tác động theo cấp số nhân”. Điều này có nghĩa là trong khi một số công ty công nghệ có thể gặp rắc rối, dẫn tới tình trạng sa thải nhân sự diện rộng, thì điều đó có thể khiến các hộ gia đình giảm mạnh chi tiêu cho các dịch vụ và hàng hóa khác.
Sự trái ngược trên thị trường lao động
Một số vụ sa thải gần đây đến từ các công ty đã tuyển dụng nhân sự ồ ạt trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi hình thức làm việc từ xa và thương mại điện tử trở thành trọng tâm hơn đối với chi tiêu của người tiêu dùng và công ty.
Tháng trước, Amazon đã thông báo cắt giảm 18.000 việc làm trên toàn công ty. Công ty có trụ sở tại Seattle đã tuyển dụng 1,54 triệu người vào cuối năm ngoái, gần gấp đôi con số vào cuối năm 2019, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, theo hồ sơ của công ty.
Microsoft cho biết họ đang cắt giảm 10.000 việc làm, tương đương khoảng 5% lực lượng lao động của mình. Gã khổng lồ phần mềm có 221.000 nhân viên tính đến cuối tháng 6 năm ngoái, tăng từ 144.000 người trước đại dịch.
Michael Gapen, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Bank of America Global Research, cho biết: “Công nghệ từng là lĩnh vực phát triển bằng mọi giá và giờ đây lĩnh vực này đang trưởng thành hơn một chút”.
Trong khi đó, các công ty khác vẫn đang tuyển dụng nhân sự. Ví dụ, Boeing đang có kế hoạch thuê 10.000 người trong năm nay, nhiều người trong số họ làm việc trong lĩnh vực sản xuất và kỹ thuật. Công ty cũng sẽ cắt giảm khoảng 2.000 việc làm, chủ yếu là trong các bộ phận nhân sự và tài chính, thông qua hình thức sa thải và tái cơ cấu.
Các hãng hàng không và công ty hàng không vũ trụ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và hiện đang cố gắng bắt nhịp lại với cuộc sống hậu đại dịch. Các hãng hàng không vẫn đang tranh giành phi công, trong khi nhu cầu về các trải nghiệm như du lịch và ăn uống đã tăng lên.
Các doanh nghiệp có nhiều chính sách để tuyển dụng nhân tài
Các doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng họ phải tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động. Các ngành không được người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác ưa chuộng, chẳng hạn như nhà hàng và hàng không vũ trụ, đang xây dựng lại lực lượng lao động sau khi sa thải người lao động. Walmart cho biết họ sẽ tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên cửa hàng lên 14 USD/giờ để thu hút và giữ chân người lao động.
Các sân bay và công ty nhượng quyền cũng đã chạy đua để thuê nhân công trong sự phục hồi của ngành du lịch. Sân bay Quốc tế Phoenix Sky Harbor đã tổ chức các hội chợ việc làm hàng tháng và cung cấp một số học bổng chăm sóc trẻ em cho nhân viên để giúp thúc đẩy quá trình tuyển dụng.
Sân bay quốc tế Austin-Bergstrom, nơi lịch bay theo số ghế trong quý này đã tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019, đã đưa ra một số sáng kiến, chẳng hạn như tiền thưởng cho ai có thể giới thiệu lao động cho công ty lên tới 1.000 USD, khuyến khích ký kết và giữ chân nhân viên được giới thiệu.
Tuy nhiên, thợ điện, thợ sửa ống nước và thợ sửa điều hòa nói riêng rất khó được giữ chân vì họ có thể làm việc ở những nơi khác không phải làm việc 24/7 và được trả lương cao hơn.
Công nhân mới của nhiều công ty cần được đào tạo, một yếu tố gây tốn thời gian để một số ngành tăng tốc trở lại, ngay cả khi việc thu hút nhân viên mới trở nên dễ dàng hơn. Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun cho biết: “Việc tuyển dụng không còn là một hạn chế nữa. Mọi người có thể thuê những người họ cần. Tất cả mối bận tâm đều liên quan tới việc đầu tạo và cuối cùng họ sẽ sẵn sàng thực hiện các công việc phức tạp mà chúng tôi yêu cầu”.