|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Mở đường bay thương mại giải quyết tắc nghẽn tạm thời, kì vọng phục hồi kinh tế phải đến đầu năm 2021'

06:30 | 16/09/2020
Chia sẻ
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng việc mở đường bay thương mại quốc tế chưa phải áp lực để tạo ra lo lắng lớn về mặt dịch bệnh.

Việt Nam đã trải qua hai đợt dịch COVID-19, đợt đầu tiên vào tháng 1 và đợt bùng phát thứ 2 vào cuối tháng 7 ở thành phố Đà Nẵng sau gần 100 ngày không ca lây nhiễm cộng đầu.

Trong suốt quá trình phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh tinh thần và kiên định với mục tiêu kép - tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch song song với phát triển, hồi phục kinh tế, không để nền kinh tế bị đứt gãy và không "ngăn sông cấm chợ".

‘Sự lựa chọn thận trọng và thực hiện nghiêm qui trình sẽ không biến đợt mở đường bay thành làn sóng dịch thứ ba’ - Ảnh 1.

Việt Nam nối lại một số chuyến bay thương mại quốc tế từ 15/9. (Ảnh: Tiến Đạt/Thanh Niên).

Một trong những biện pháp được cho là tạo đà cho quá trình hồi sinh trở lại của nền kinh tế là "mở cửa bầu trời". 

Việc nối lại đường bay quốc tế là tín hiệu cho thấy Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, làn sóng dịch thứ hai cơ bản được đẩy lùi. Song, quyết định mở cửa, đón người nước ngoài vào nhập cảnh Việt Nam làm dấy lên nhiều lo lắng trong bối cảnh tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Bàn về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm việc mở lại đường bay quốc tế là một xu hướng bắt buộc, là yêu cầu của quá trình phát triển. "Việc mở cửa này là điều bình thường, vừa vui mừng cũng vừa cảnh giác, bởi không thể cực đoan cấm hoàn toàn hay mở cửa ồ ạt", TS Phong khẳng định.

Ông cũng đánh giá cao sự lựa chọn thận trọng khi nước ta mở đường bay thương mại với các đối tác có tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hoặc ít có nguy cơ lây nhiễm. Sự lựa chọn này vừa đảm bảo yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế.

Theo thông báo kết luận từ cuộc họp của hai Phó Thủ tướng, việc mở lại đường bay thương mại quốc tế được thực hiện từ 15/9 đến Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Taipei (Đài Loan, Trung Quốc).

Từ 22/9, mở thêm các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane).

Tần suất bay không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế).

Khi được hỏi về nguy cơ tái bùng phát đợt dịch mới, TS Nguyễn Minh Phong cho biết Việt Nam chưa mở lại chuyến bay du lịch mà chỉ cho phép nhập cảnh chuyên gia nước ngoài, nhà ngoại giao, nhà hoạt động công vụ, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. 

"Vì thế, chắc chắn việc mở đường bay thương mại chưa phải áp lực để tạo ra lo lắng lớn về mặt dịch bệnh", TS Phong nhấn mạnh.

Theo ông, điều người dân lo lắng cũng như các cơ quan chức năng cần phải quan tâm là phải chuẩn hóa các qui trình, bao gồm xét nghiệm, vận chuyển, cách li cũng như các biện pháp phòng tránh dịch bệnh khác gắn với quá trình di chuyển của các hành khách quốc tế. Việc chuẩn hóa, công khai, thực hiện nghiêm các qui định sẽ đảm bảo không biến đợt mở cửa này thành làn sóng dịch thứ ba.

Về triển vọng phục hồi đi kèm với mở đường bay, ông Phong nhận định Việt Nam mới mở cửa cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy kì vọng phục hồi kinh tế không lớn lao.

Ông cho rằng các chuyến bay thương mại sẽ giải quyết tắc nghẽn tạm thời như công ăn việc làm ở trong nước. Đó không phải là một cái gì đó mang tính chất bùng nổ. Chỉ khi nào các hoạt động du lịch và giao thương diễn ra bình thường như trước khi có dịch thì mới có thể kì vọng nền kinh tế trở lại bình thường. Mọi kì vọng phục hồi kinh tế sẽ bắt đầu vào năm 2021, chứ không phải năm nay.

Anh Đào