|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Việt Nam có thể đảm bảo an toàn khi mở lại đường bay quốc tế'

07:46 | 04/09/2020
Chia sẻ
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ủng hộ việc mở lại đường bay quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh tinh thần của Thủ tướng về vừa kiểm soát dịch bệnh vừa từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Mở lại đường bay quốc tế được cho là giải pháp cấp bách nhằm "giải cứu" ngành hàng không đang ngày càng kiệt quệ vì đại dịch COVID-19. Đây cũng được đánh giá là bước đi quan trọng đầu tiên nếu muốn vực dậy nền kinh tế vốn đang trong tình trạng ngủ đông kéo dài. Hồi tháng 8, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét mở lại đường bay quốc tế.

Trước đó, hồi tháng 7, Cục Hàng không Việt Nam cũng đưa ra đề xuất này. Bộ GTVT khi đó cho biết đã xây dựng phương án các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Mở lại đường bay quốc tế sẽ cứu nền kinh tế khỏi bị đứt gãy - Ảnh 1.

Nhiều hãng hàng không rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền vì COVID-19. (Ảnh minh họa: Zing).

Theo báo cáo tài chính của các hãng hàng không, mặc dù ngành hàng không đã áp dụng nhiều biện pháp tình thế như cắt giảm chi phí, giảm lương nhân viên song các hãng hàng không nội địa vẫn rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền. 

Vietnam Airlines dự tính doanh thu cả năm 2020 giảm một nửa, còn 50.000 tỉ đồng và lỗ khoảng 13.000 tỉ đồng. Vietjet Air đạt doanh thu quý II/2020 khoảng 1.970 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kì năm trước và ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1.122 tỉ đồng.

Theo dự báo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng trên 4 tỉ USD trong năm 2020.

Bàn về việc có nên mở lại đường bay quốc tế hay không, với góc nhìn chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho biết ông luôn ủng hộ việc mở lại đường bay quốc tế và việc này cần được thực hiện sớm.

"Bộ Y tế và Bộ GTVT cần có sự hợp tác chặt chẽ, xây dựng phương án phòng dịch, kiểm soát dịch để tránh những sơ suất dẫn đến việc nhập cảnh những người mang nguồn bệnh. Đây cũng là điều mà mọi người lo lắng nhất khi đề cập đến mở lại đường bay quốc tế", ông nói.

Nếu chậm mở lại đường hàng không, trước hết, ngành hàng không sẽ chịu thiệt thòi rất lớn, sau đó là dẫn tới nguy cơ nền kinh tế thực sự đứt gãy. Theo ông Doanh, trong kịch bản đó, chúng ta sẽ phải trả giá khá đắt, không chỉ xét về những thua lỗ của riêng ngành hàng không, mà cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Doanh cũng nhắc lại tinh thần chung của Thủ tướng Chính phủ - vừa kiểm soát dịch bệnh và không để đứt gãy nền kinh tế. Để đạt được cả hai điều trên, các bộ ngành liên quan cần tăng cường hợp tác, nhằm đưa ra một qui trình chặt chẽ về giám sát và kiểm tra sức khỏe để tránh lây nhiễm. Ngoài ra, theo ông, cũng cần có sự phối hợp với các nước hợp tác mở lại đường bay, thống nhất đưa ra một qui trình nhằm bảo đảm có thể kiểm soát được dịch bệnh.

"Với năng lực chống dịch hiện tại của Việt Nam, với những bài học kinh nghiệm từ đợt bùng dịch ở Đà Nẵng hồi tháng 7, tôi cho rằng Việt Nam có thể đảm bảo được mức an toàn có thể chấp nhận được khi mở lại đường bay quốc tế", TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Mới đây, Cục Hàng không đề xuất nối lại các đường bay với 6 quốc gia từ 15/9. Theo đề xuất của Cục Hàng không, Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ khai thác các đường bay bao gồm TP HCM đi Quảng Châu (1 chuyến/tuần, 343 ghế), Hà Nội đi Tokyo (1 chuyến/tuần, 343 ghế), Hà Nội đi Seoul (1 chuyến/tuần, 343 ghế), TP.HCM đi Đài Bắc (1 chuyến/tuần, 343 ghế), Cần Thơ đi Phnom Penh (1 chuyến/tuần, 203 ghế) và Hà Nội đi Vientiane (1 chuyến/tuần, 203 ghế). Vietjet Air được đề xuất khai thác các đường bay gồm TP HCM đi Tokyo (1 chuyến/tuần, 240 ghế), TP HCM đi Seoul (1 chuyến/tuần, 240 ghế) và Hà Nội đi Đài Bắc (1 chuyến/tuần, 240 ghế).

Theo đề xuất, các chuyến bay từ 6 quốc gia trên đến Việt Nam sẽ do các hãng hàng không tại 6 quốc gia thực hiện. Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet Air chỉ thực hiện các chuyến bay chiều đi quốc tế.

Để có thể triển khai kế hoạch trên, Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo tới các đối tác, hành khách.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Anh Đào

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.