|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 11/5 - 15/5: Mỹ, Anh, Đức công bố loạt số liệu kinh tế buồn, căng thẳng Mỹ - Trung chiếm sóng

05:00 | 11/05/2020
Chia sẻ
Lịch kinh tế tuần này sẽ có rất nhiều dữ liệu giúp chứng minh mức độ thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu như doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Mỹ, GDP quí I của Anh và Đức,...
Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 11/5 - 15/5: Mỹ, Anh, Đức công bố loạt số liệu kinh tế buồn, căng thẳng Mỹ - Trung chiếm sóng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Kiplinger

Theo tổng hợp từ Investing, trong tuần tới Mỹ dự kiến sẽ công bố doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 4, trong khi Anh và Đức dự kiến sẽ phát hành dữ liệu GDP quí I/2020. 

Căng thẳng thương mại giữa Tổng thống Donald Trump và Trung Quốc sẽ tiếp tục là một mối lo khác của nhà đầu tư, đặc biệt là ngay thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang bị tê liệt vì đại dịch.

1. Dữ liệu kinh tế của Mỹ

Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 4 của nền kinh tế Mỹ sẽ được công bố vào ngày 15/5. Các nhà phân tích dự đoán số liệu có thể nêu bật hơn nữa ảnh hưởng của lệnh phong tỏa đối với ngành bán lẻ và chế tạo tại Mỹ.

Cụ thể, các nhà kinh tế dự đoán doanh số bán lẻ sẽ giảm 11,6% so với cùng kì năm ngoái, bỏ xa mức giảm kỉ lục 8,4% ghi nhận hồi tháng 3. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp - sụt 5,4% vào tháng 3, dự kiến sẽ giảm 11,5% trong tháng 4.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố các chỉ số niềm tin người tiêu dùng và lạm phát, trong khi báo cáo trợ cấp thất nghiệp hàng tuần (công bố ngày 14/5) sẽ cho biết tình hình của thị trường việc làm Mỹ trong tuần thứ 8 kể từ khi lệnh phong tỏa có hiệu lực.

Tuần trước, báo cáo cho thấy đã có thêm 3 triệu người lao động Mỹ đăng kí xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần thứ 7, dù vậy con số đó chưa đạt đến mức đỉnh 6,8 triệu hồ sơ ghi nhận trong tuần kết thúc vào ngày 28/3.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson vào ngày 13/5 về các vấn đề kinh tế hiện tại.

2. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng lên

Căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh dường như sẽ tiếp tục sục sôi sau khi Tổng thống Trump phát biểu trên Fox News hôm 8/5 rằng ông "đang cân nhắc" về việc chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc.

Chính quyền ông Trump đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh vì quá trình xử lí đại dịch của nước này, trong đó có phương án áp thuế quan bổ sung và chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Ông Trump cho hay ông sẽ chấm dứt thỏa thuận giai đoạn một nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua nông sản và dịch vụ Mỹ như đã hứa hẹn. Hôm 6/5, ông chủ Nhà Trắng nói quyết định có thể sẽ được đưa ra trong một hoặc hai tuần tới.

Theo thỏa thuận giai đoạn một có hiệu lực vào ngày 15/2, Bắc Kinh sẽ mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Dù vậy, việc này gặp phải trở ngại lớn khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các lệnh phong tỏa đã khiến GDP quí I năm nay của Trung Quốc sụt giảm mạnh, lần đầu tiên trong 28 năm tăng trưởng âm.

3. Hai nền kinh tế lớn ở châu Âu công bố GDP quí I

Số liệu GDP quí I của Anh và Đức sẽ gợi ý cho nhà đầu tư về thiệt hại ban đầu của các lệnh phong tỏa có hiệu lực vào cuối tháng 3 ở hai nước này.

Nền kinh tế Anh dự kiến sẽ thu hẹp 2,5% trong quí I so với cùng kì năm ngoái, tuy nhiên thiệt hại toàn diện và đẩy đủ hơn phải đến quí II mới biết rõ. Các nhà kinh tế dự đoán GDP quí II sẽ còn tối tăm hơn.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự đoán kinh tế Anh sẽ giảm 14% trong năm nay, mức sụt giảm theo năm mạnh nhất trong hơn 300 năm qua và tỉ lệ thất nghiệp sẽ chạm ngưỡng 8%.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung euro, Đức dự kiến sẽ giảm 2,1% trong ba tháng đầu năm nay. Chính phủ Đức dự đoán kinh tế nước này sẽ giảm 6,3% trong năm 2020, là mức tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Khả Nhân