SSI Research: Ngành gạo sẽ hưởng lợi từ EVFTA trong dài hạn
Theo báo cáo đánh giá tác động của hiệp định EVFTA đối với các ngành và doanh nghiệp niêm yết của SSI Research vừa công bố, gạo được đánh giá là một trong các ngành hàng hưởng lợi rẩ tích cực từ EVFTA trong dài hạn.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 21.300 tấn gạo sang thị trường châu Âu, tương đương giá trị 11,4 triệu USD, chỉ chiếm 0,3% tổng sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam. Trước EVFTA, thuế nhập khẩu đối với gạo Việt Nam là 65-211 EUR/tấn, khoảng 5-45%.
Mức thuế này được giảm về 0% từ thời điểm EVFTA có hiệu lực đối với gạo theo hạn ngạch - 80 nghìn tấn/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Hạn ngạch này sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp EU nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Ngoài ra, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ đối với gạo tấm sau 5 năm và các sản phẩm từ gạo sau 3-5 năm.
Để đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần có mô hình chuỗi gạo liên kết với nông dân để đảm bảo chất lượng từ đầu vào cho đến đầu ra.
Theo SSI Research Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG), Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã: NSC) và Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) là các doanh nghiệp đã thực hiện liên kết với nông dân để đảm bảo chất lượng cho đầu ra, do đó có khả năng được hưởng lợi từ EVFTA.
Cụ thể với LTG, tháng 9 có đơn hàng xuất khẩu 126 tấn gạo thơm Jasmine 85 đi châu Âu. Năm 2019, doanh thu gạo của LTG đạt 2.379 tỷ đồng, chiếm 29% tổng doanh thu.
Tuy nhiên LTG chủ yếu bán gạo nội địa và chỉ xuất đi các nước như Philippine, Trung Quốc và Trung Đông. Doanh thu xuất khẩu sang thị trường ngoài châu Á chỉ đạt dưới 1% tổng doanh thu. Như vậy, EVFTA tác động rất ít LTG.
Với NSC, dự kiến trong tháng 9 và tháng 10 công ty sẽ xuất được 100 tấn gạo sang Châu Âu. Hiện tại gạo thơm RVT của NSC đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn và được hưởng thuế suất 0%. Công ty đang hoàn thiện thủ tục để xin thuế suất 0% cho các giống gạo khác.
Tuy nhiên, hiện tại mảng gạo đóng góp rất ít vào tổng doanh thu của công ty (chưa đến 5%). Năm 2019, công ty đầu tư nhà máy gạo với công suất 100 nghìn tấn gạo/ năm. Giả định giá bán gạo khoảng 15.000 đồng/kg, khi nhà máy chạy hết công suất sẽ đem về cho NSC 1.500 tỷ đồng từ gạo (so với doanh thu 2019 là 1,652 tỷ đồng).
"Như vậy, EVFTA mở ra nhiều cơ hội tăng doanh thu cho NSC. Tuy nhiên, đối với gạo có thương hiệu thì sẽ mất rất lâu để đạt được sản lượng này. Nếu công ty tập trung vào gạo hàng hóa thay vì gạo có thương hiệu, công ty sẽ đạt được tăng trưởng doanh thu cao, nhưng có khả năng bị lỗ cao do giá gạo hàng hóa hiện tại rất thấp và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng", SSI Research nhận định.
Còn với TAR, công ty đã kí hợp đồng xuất 3.000 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine sang Đức. Trong tháng 8, công ty đã xuất lô đầu tiên tương đương 150 tấn. Tổng công suất thiết kế của TAR đạt 300 nghìn tấn gạo/ năm.
Doanh thu gạo xuất khẩu và gạo nội địa chiếm lần lượt 20% và 80%. Thị trường xuất khẩu rất đa dạng, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Italy, Australia, các nước Trung Đông và châu Á. Ở thị trường nội địa, TAR bán sản phẩm dưới thương hiệu Trung An và thương hiệu VinEco.
Trong khi đó, theo SSI Research, những doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác chủ yếu chỉ đầu tư dây chuyền chế biến gạo và không kiểm soát được chất lượng đầu vào.
Trong quá khứ, sản lượng gạo xuất khẩu sang châu Âu rất ít do chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và châu Âu chủ yếu tiêu thụ gạo basmati của Ấn Độ thay vì gạo thơm từ các nước như Thái Lan, Việt Nam.
SSI Research đánh giá việc EVFTA giảm thuế nhập khẩu sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp gạo tại Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất gạo khép kín, do đó cải thiện chất lượng và củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên toàn cầu.
Tuy sản lượng xuất khẩu sang châu Âu không nhiều so với sản lượng xuất khấu sang các thị trường khác, nhưng giá xuất khẩu gạo thương hiệu sẽ cao hơn nhiều so với giá gạo hàng hóa, do đó giảm rủi ro lỗ cho các doanh nghiệp gạo.