|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủy sản, gạo và da giày tăng trưởng ấn tượng sau hơn hai tháng thực thi EVFTA

08:24 | 18/10/2020
Chia sẻ
Kết thúc tháng 9, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh đạt 3,54 tỉ USD, tăng gần 8% so với tháng 9/2019. Trong đó, thủy sản tăng hơn 17%, gạo tăng 168% và da giày tăng 3,5% so với tháng trước.

Kết quả tận dựng ưu đãi EVFTA bước đầu tích cực

Ngày 17/10, hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)” được tổ chức tại TP HCM.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: "Một trong những lợi ích rõ rệt nhất mà EVFTA mang lại cho hàng hóa xuất khẩu ở Việt Nam là mức độ cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất mà một đối tác dành cho Việt nam trong số các FTA đã được kí kết". 

Theo đó, việc triển khai các biện pháp thực thi Hiệp định EVFTA, hướng tới tận dụng cơ hội ngay trong quí III/2020 đã được Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh thực hiện. 

Kết quả bước đầu là rất tích cực. Cụ thể, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh trong tháng đâu tiên thực thi EVFTA đạt 3,77 tỉ USD tăng gần 3% so với cùng năm trước. Kết thúc tháng 9, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh đạt 3,54 tỉ USD, tăng gần 8% so với tháng 9/2019.

Trong đó, xuất khẩu thủy sản tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9 đạt khoảng 263 triệu USD, tăng hơn 17% so với cùng kì 2 tháng năm trước.

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu bắt đầu tăng từ đầu tháng 9 như mặt hàng gạo, nhờ tận dụng hạn ngạch thuế quan theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 1,74 triệu USD, tăng 168% so với tháng trước.

Xuất khẩu giày dép, mặc dù chịu tác động lớn của việc sụt giảm nhu cầu do dịch COVID-19 nhưng cũng tăng nhẹ trong tháng 9, đạt 307,07 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước.

Số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam. 

Tính đến ngày 12/10, sau chưa đầy 2 tháng rưỡi thực thi Hiệp định, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU.

 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Như Huỳnh).

“So với các FTA khác của Việt Nam mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hong Kong, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Cuba... thì số lượng C/O mẫu EUR.1 trong Hiệp định EVFTA lớn hơn rất nhiều”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết tỉ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 năm 2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9 năm 2020. 

Trong đó, giày dép có trị giá xin cấp C/O sau 2 tháng đạt khoảng 391 triệu USD; hàng thủy sản đạt 183,4 triệu USD; nhựa và sản phẩm nhựa đạt 49,1 triệu USD; hàng dệt may đạt khoảng hơn 27 triệu USD. 

Các mặt hàng đã đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 với mức tỉ lệ sử dụng cao từ 50 - 80% gồm thủy sản, giày dép. Đây là các mặt hàng mà mức thuế quan ưu đãi FTA của EU dành cho Việt Nam thấp hơn so với GSP và tiêu chí xuất xứ EVFTA lỏng hơn hoặc tương đương GSP.

Doanh nghiệp cần hiểu đúng để đáp ứng qui tắc xuất xứ của EVFTA

Theo Bộ Công Thương để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các qui định về qui tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA. Hai yếu tố này diễn ra song song và không thể tách rời. 

Do vậy, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội ngay từ những ngày đầu thực thi Hiệp định, ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT qui định qui tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA làm cơ sở pháp lí hướng dẫn thực thi nội dung này tại Việt Nam. Thông tư đã có hiệu lực ngay từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kì nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

 - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu báo cáo kết quả triển khai thực thi qui tắc xuất xứ trong EVFTA. (Ảnh: Như Huỳnh).

Ở chiều ngược lại, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kì nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo qui định của EU mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Cơ chế xác minh xuất xứ trong Hiệp định EVFTA là cơ chế xác minh giữa cơ quan chính phủ và cơ quan chính phủ (G to G), thời gian hai bên phối hợp thực hiện xác minh xuất xứ hồ sơ giấy là 10 tháng.

Trong trường hợp nước nhập khẩu liên tục phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc nước xuất khẩu thiếu hợp tác, không cho nước nhập khẩu kiểm tra xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất, hai bên cùng bàn biện pháp khắc phục. 

Sau 30 ngày không đạt được đồng thuận, vụ việc được đưa lên Ủy ban thực thi Hiệp định và sau 60 ngày không đạt được biện pháp giải quyết, bên nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm dừng ưu đãi. Thời gian áp dụng tạm dừng ưu đãi là 3 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng.

Ngoài vấn đề qui tắc xuất xứ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng tuy có nhiều thuận lợi, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều rào cản kĩ thuật hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Chính vì vậy, Bộ Công thương và doanh nghiệp cần nhiều dịp gặp gỡ để chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cung cấp những thông tin chuyên sâu về quy tắc xuất xứ cũng như cách thức tiếp cận thị trường EU một cách phù hợp

Ở góc độ hiệp hội, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chính sự kịp thời của Bộ Công Thương đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xuất khẩu. 

“Đơn cử như C/O mẫu EUR.1 bị đối tác phản hồi không đúng màu thì ngay lập tức Bộ Công Thương đã có phản hồi để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nhờ đó lượng thủy sản, cụ thể là tôm qua EU kể từ tháng 8/2020 tới nay đã tăng rõ rệt với mức bình quân 15% so với trước thời điểm EVFTA có hiệu lực”, ông Hòe cho biết thêm.

 - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. (Ảnh: Như Huỳnh).

Tuy nhiên, để có thể khai thác tốt hơn thị trường này, theo ông Trương Đình Hòe, ngành thủy sản mong muốn được Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành hỗ trợ trong thời gian tới. Cụ thể là hỗ trợ trong thông tin về thị trường và xúc tiến thương mại.

Trong đó vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm hiện nay là thông tin thị trường Anh, đây là thị trường xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 10% trong 2020. Song doanh nghiệp không biết sau Brexit thì vấn đề thuế quan, xuất khẩu vào nước này như thế nào.

Do đó doanh nghiệp mong nhận được thông tin đầy đủ về thị trường Anh để có kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.

Ngoài ra bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư kí Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho rằng, lượng đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp đã dần hồi phục, tình hình tuyển dụng lao động đã quay trở lại.

Tuy nhiên, qua khảo sát với nhiều nhà cung ứng và nhãn hàng, bà đánh giá EVFTA chỉ là chất xúc tác chứ không phải yếu tố quyết định đến tăng trưởng trong tương lai của ngành da giày. Bởi lẽ, đa số nguyên phụ liệu ngành da giày của Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, Luật Lao động chặt chẽ hơn so với các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh có thể khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh.

Dù vậy, muốn tận dụng được EVFTA doanh nghiệp cũng cần chú ý tới các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn lao động, môi trường… ở thị trường EU.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh