EVFTA là cơ hội cho tất cả doanh nghiệp cùng thắng lớn
Sáng 6/10, Báo Hải quan và Cục Hải quan TP HCM phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức tọa đàm: “Cục Hải quan TP HCM và Doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA”.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng Cục Hải Quan cho biết EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hai chiều đạt 56,45 tỉ USD trong năm 2019.
Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi đã mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự hợp tác và phát triển, tạo cơ hội xuất khẩu, mở rộng chuỗi cung ứng, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam và EU vượt qua những khó khăn, thách thức trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu.
"Đối với Hiệp định EVFTA thì thuế sẽ là lợi thế cho Việt Nam, ngược lại châu Âu cũng lợi thế về nhập siêu vào Việt Nam. Như vậy Hiệp định EVFTA sẽ là mặt bằng toàn diện cân bằng cho hai phía", ông Thành nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan TP HCM hiện thành phố có 909 dự án của các doanh nghiệp châu Âu (EU) được cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn 3,17 tỉ USD (không bao gồm nước Anh).
EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TP HCM và là đối tác xuất khẩu thứ ba, đối tác nhập khẩu thứ hai của thành phố, với kim ngạch song phương đạt 15,44 tỉ USD. Do đó, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa TP HCM tiếp cận thị trường trên 500 triệu dân của EU.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPPG) cho rằng EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi thế cho cả doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng và tất cả đều thắng lớn trong hiệp định này.
"3-5 năm tới chúng ta sẽ nhìn thấy Việt Nam phát triển 3 khu mua sắm phi thuế quan - Factory Outlet tại Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng. Điều hấp dẫn nhất là người tiêu dùng sẽ có dịp tham gia vào khu vực mua hàng hiệu “giảm giá”, từ việc phi thuế quan", ông Hạnh chia sẻ và dự đoán các khu mua sắm này có thể đón khoảng 90 triệu - 100 triệu lượt khách/năm.
Cũng theo "ông vua hàng hiệu" khi tập đoàn này có 3 khu phi thuế quan thì sẽ nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu từ 3 - 5 tỉ USD. Đây là cơ sở để chứng minh hàng hóa châu Âu vào Việt Nam nhiều và cân bằng cán cân thương mại hai bên, không chỉ là xuất siêu như hiện tại..
Còn theo ông Đinh Ngọc Thắng, theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi thực hiện hiệp định EVFTA, số thu nộp ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP HCM nói riêng và ngành Hải quan nói chung sẽ giảm (số thu nộp ngân sách hàng năm của Cục Hải quan TP HCM chiếm gần 40% toàn ngành).
Cụ thể, theo tính toán, số thu nộp ngân sách của đơn vị giảm từ 500-1.000 tỉ đồng trong 3 tháng tới. Xu hướng trong tương lai, Việt Nam sẽ gia tăng thu hút đầu tư FDI và thu nội địa.
Theo đó, trong thời gian tới mục tiêu của Cục Hải quan TP HCM là xây dựng công tác hỗ trợ doanh nghiệp, chống buôn lậu gian lận thương mại, phát huy tối đa vai trò người gác cổng trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, Cục Hải quan TP HCM cam kết luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, qua đó nắm bắt, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến các chính sách quản lí hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế và thủ tục hải quan…
Đồng quan điểm, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham chia sẻ, từ nhiều năm nay, EuroCham luôn coi hải quan là đối tác lớn nhất, đồng hành trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại song phương.
Đến nay, hơn 50% khối lượng hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và EU đi qua các cửa khẩu, cảng của TP HCM. Do đó, việc Hải quan TP HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ thực thi Hiệp định EVFTA trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu của cả hai bên.
Theo ông Jean Jacques Bouflet, Cục Hải quan TP HCM đã chủ động kết nối, đối thoại, trao đổi trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt các chính sách mới, đặc biệt là triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA. Đó là một trong những cam kết có giá trị thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA đầy đủ và hiệu quả nhất.
Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, điều quan trọng để doanh nghiệp Việt xuất khẩu lâu dài hàng sang châu Âu là giữ uy tín, ổn định giá cả, cam kết chất lượng và trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư tưởng, không thể hoạt động với cách làm “hôm nay chất lượng khác, mai chất lượng khác”.
Mặt khác, một yếu tố cần thiết là ổn định về giá cả. Nếu doanh nghiệp vì chênh lệch cung cầu mà tăng hoặc giảm giá, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân công ty nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung.