|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI Research: May Sông Hồng - Quán quân lợi nhuận ngành dệt may năm 2019 không kì vọng vào EVFTA

07:50 | 18/02/2020
Chia sẻ
Theo đánh giá của Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), các doanh nghiệp dệt may khó có thể hưởng lợi ngay từ EVFTA trong hai năm đầu tiên hiệp định này có hiệu lực.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA

Theo Chứng khoán SSI, không nhiều công ty trong nước có khả năng hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA do quy định ROO. Trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, hiện tại CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) có tỉ trọng xuất khẩu sang EU cao nhất về doanh thu khoảng 50%, tiếp theo là CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Mã: GMC) với 40%.

Theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA (ROO), các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Có một số điểm linh hoạt như hàng may mặc được sản xuất tại Việt Nam từ các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc mà EU có FTA cũng sẽ đủ điều kiện để được miễn thuế.

Hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.

Chứng khoán SSI: 2 năm đầu tiên các sản phẩm may mặc không hưởng lợi từ EVFTA - Ảnh 1.

(Nguồn: Website CTCP May Sông Hồng)

Chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, May Sông Hồng cũng không kì vọng vào EVFTA

Theo Chứng khoán SSI, trong ngắn hạn, ngành dệt may tiếp tục thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do dịch virus Covid-19 bùng phát.

Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã gia tăng thời gian đóng cửa kể từ Tết Nguyên đán, khiến việc sản xuất vải bị trì hoãn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang Việt Nam. Nhiều đơn hàng phải giao cho khách hàng bị chậm trễ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hầu hết các công ty may mặc. 

SSI nhận định vấn đề này có thể được giải quyết sớm nhất trong Quí I/2020.

Theo trao đổi riêng của Chứng khoán SSI với CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH), công ty đã xác nhận việc sản xuất vẫn đang diễn ra bình thường vì công ty có đầy đủ hàng tồn kho để sản xuất trong Quí I/2020.

Do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, công ty cho rằng có khả năng thiếu hụt hàng tồn kho trong Quí II/2020. Các nhà cung cấp từ Trung Quốc sẽ quay trở lại sản xuất từ ngày 20/2/2020, nhưng hiện vẫn chưa rõ công suất sản xuất khi các nhà máy hoạt động trở lại.

Chứng khoán SSI cho biết, May Sông Hồng không mong đợi được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, vì công ty không thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ từ khâu vải trở đi. Hiện có tới 90% giá trị xuất khẩu của công ty là sang thị trường Mỹ.

SSI Research: May Sông Hồng - Quán quân lợi nhuận ngành dệt may năm 2019 không kì vọng vào EVFTA - Ảnh 2.

May Sông Hồng là đơn vị dẫn đầu lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dệt may đại chúng

Doanh nghiệp dệt may phải làm gì để hưởng lợi từ EVFTA trong dài hạn

Theo SSI, để đạt được lợi ích trong dài hạn (sau 2 năm khi thuế suất theo MFN giảm dần từ 12% xuống 0%), các doanh nghiệp dệt may phải nỗ lực để tăng tỉ lệ sử dụng vải trong nước trong đơn đặt hàng FOB sang EU.

Về việc sản xuất vải, SSI cho rằng đây là một nút thắt trong ngành vì nhiều lý do, bao gồm tác động tiêu cực của việc sản xuất vải đến môi trường.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP. Hai năm đầu triển khai, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9%.

Trong 3-7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu của hầu hết các sản phẩm từ Việt Nam sang EU được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0%. Những sản phẩm sẽ được giảm thuế ngay lập tức là những sản phẩm không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.

Theo SSI, trong số các công ty sợi niêm yết trong nước, hiện tại không có công ty nào có thị phần xuất khẩu sang EU.

Minh Đăng