|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Trương Lý Hoàng Phi: Doanh nghiệp tăng tốc nguy hiểm như 'sửa máy bay trên không'

21:42 | 13/04/2019
Chia sẻ
Theo Shark Trương Lý Hoàng Phi, muốn tăng tốc, các doanh nghiệp và startup phải chuẩn bị thật kỹ vì quá trình này nguy hiểm giống như việc phải "sửa máy bay trên không".
Shark Trương Lý Hoàng Phi: Doanh nghiệp tăng tốc nguy hiểm như sửa máy bay trên không - Ảnh 1.

Shark Trương Lý Hoàng Phi, đồng sáng lập và điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC

Tăng tốc là một quá trình mà các doanh nghiệp hay startup buộc phải trải qua nếu muốn tạo dựng vị thế của mình trên thương trường. Doanh nghiệp sẽ "hóa rồng" nếu tăng tốc thành công và ngược lại có thể sẽ lụn bại thậm chí phải phá sản.

Như các giai đoạn phát triển trong vòng đời của một doanh nghiệp, quá trình tăng tốc cũng chứa đựng những nguy hiểm khôn lường. Còn theo ví von của Shark Trương Lý Hoàng Phi, đồng sáng lập và điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC, tăng tốc là quá trình phát triển nóng thường xuyên phải trải qua những giây phút rùng mình như kiểu đang bay thì máy bay gặp sự cố và chúng ta buộc phải sửa chữa ngay giữa không trung.

Do đó, để có thể hạ cánh an toàn, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng 4 yếu tố sau trước khi tăng tốc: con người, chiến lược, kế hoạch thực thi và nguồn vốn.

“Nhiều người cho rằng, công nghệ là nền tảng quan trọng nhất mà các startup phải chuẩn bị trước khi tăng tốc, nhưng theo tôi điều đầu tiên cần chuẩn bị là nhân sự. Bởi vì, công nghệ cũng chỉ là công cụ để nâng cao năng suất lao động của con người, nếu có công cụ tốt nhưng không có con người biết cách vận dụng tối ưu thì cũng lãng phí. Tương tự, dùng công nghệ gì để vận hành mô hình kinh doanh gì là do con người quyết định”, bà Trương Lý Hoàng Phi khẳng định.

Giai đoạn tăng tốc giống như trong đua xe đạp, nhà vô địch chưa hẳn là người đứng nhất trong tất cả các chặng đua mà là người biết phân phối năng lượng hợp lý và có sức bền tốt nhất. Theo đó, muốn thành công về đích, các startup cần chuẩn bị đủ nền tảng con người để khi tăng tốc không hụt hơi. Ví dụ: khi mở 100 cửa hàng, chúng ta vẫn sẽ đủ nhân sự để phục vụ tốt khách hàng như khi chỉ có 10 cửa hàng.

Trong quá trình tăng tốc, chúng ta không chỉ nhân cửa hàng mà còn nhân con người lên để không phụ thuộc vào bất cứ một cá nhân cụ thể nào đó. Tức là, phải đưa ra các quy trình đào tạo để khi một người mới vào, họ sẽ biết mình cần phải làm gì và như thế nào. Bên cạnh đó, cần sử dụng công nghệ với các công cụ tự động nhằm giải phóng sức lao động của nhân viên, khiến họ chỉ tập trung vào làm những việc cần thiết.

Từ trải nghiệm của mình, Shark Trương Lý Hoàng Phi cho rằng, nếu các startup chưa chuẩn bị đủ nguồn lực con người thì không nên mạo hiểm tăng tốc. Có không ít startup đã đến than phiền với bà rằng, trước đây họ làm nhỏ thì lời nhưng sau khi làm lớn thì hết lời do nhân sự nghỉ liên tục khiến hoạt định kinh doanh thường xuyên gián đoạn.

Mặt khác, có không ít trường hợp nguy hiểm: vì không mạnh nên startup đã thuê nguồn lực ở bên ngoài và chính họ mới là người tạo ra giá trị gia tăng cũng như giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp. Khi tăng tốc, do không sở hữu nguồn lực lõi nên doanh nghiệp đó không có được sự ổn định cần thiết và khiến mô hình kinh doanh bị vỡ.

“Nếu không có nền móng nhân lực tốt thì càng xây tầng càng cao, chúng ta càng nhanh chết”, bà Phi cảnh báo.

Bên cạnh nhân sự, để tăng tốc thành công các doanh nghiệp cần phải có chiến lược tốt. Nhiều startup, trong giai đoạn đầu tiên luôn kiên định với những giá trị lõi của doanh nghiệp nhưng đến giai đoạn phát triển nóng, do quá chú tâm vào việc mở rộng kinh doanh hay tăng doanh thu, startup đã quên mất giá trị lõi và rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Cũng theo bà Phi, các startup ở Việt Nam cần thay đổi tư duy của mình, không phải lúc nào cũng cần đối đầu mà nên hợp tác, phải biết lúc nào nên phòng thủ và lúc nào nên tấn công… đừng như các “con thiêu thân” trong thị trường thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay.

Hiện tại, ở thị trường TMĐT Việt Nam, có không ít mô hình kinh doanh na ná nhau với những phân khúc khách hàng giống nhau. Thế nên, thay vì ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ nhiều doanh nghiệp đổ tiền cho công tác PR – marketing để lôi kéo traffic, mở rộng phễu khách hàng. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, sẽ chỉ có 2 đến 3 kẻ chiến thắng trong cuộc chiến này và đó là những kẻ có nhiều tiền để "đốt" nhất.

Theo bà Phi, với những startup hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa trong linh vực TMĐT, thay vì cố ‘giết’ nhau hãy nghĩ đến chuyện hợp tác và liên kết cùng nhau. Bởi vì rõ ràng, khi liên kết làm một dự án, độ rủi ro sẽ được phân tán. Thay vì nghĩ mình là startup hãy nghĩ mình trong vai trò là nhà đầu tư, đừng "ăn xổi ở thì" mà hãy nghĩ đến những chiến lược dài hơi.

Cuối cùng, khả năng thực thi và nguồn vốn cũng rất quan trọng cho quá trình tăng tốc doanh nghiệp. Giống như đã nói ở trên, quá trình tăng tốc và phát triển nóng sẽ có hàng tỷ vấn đề xảy ra trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Chúng ta cần đội ngũ nhân sự phản ứng nhanh có thể sửa chữa được cả máy bay bị trục trặc khi đang bay ở trên không. Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn bám sát thị trường và nhanh chóng tìm ra giải pháp xoay chuyển nhanh nhất có thể để công ty tiếp tục đi đúng hướng.

Cũng như thế, các startup cần chuẩn bị đủ nguồn vốn cũng như kế hoạch chi tiêu thật sự cụ thể khi tăng tốc.

Nếu chuẩn bị kỹ càng cả 4 yếu tố trên tức là chúng ta đã xây được một đường băng tốt để máy bay – doanh nghiệp cất cánh, tăng tốc vững vàng hơn.

Như Quỳnh