Shark Phú: Tôi sẵn sàng mua nguyên liệu Trung Quốc miễn là cạnh tranh
Chiều 13/4, diễn đàn CEO 2018 diễn ra với chủ đề làm thế nào để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng suất lao động. Sự kiện thu hút lãnh đạo những doanh nghiệp lớn như Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú), CEO Asanzo Phạm Văn Tam, CEO Tổng công ty may 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền…
Các CEO thảo luận các vấn đề đặt ra với doanh nghiệp khi muốn nâng cao năng suất lao động như việc thay đổi cộng nghệ có cần thiết không, chế độ đãi ngộ với người lao động như thế nào và đào tạo họ ra sao…
Chia sẻ quan điểm của mình, Shark Phú thẳng thắn nói ở Sunhouse ông coi hiệu quả là quan trọng nhất, việc thay đổi công nghệ có hay không không quan trọng.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch tập đoàn Sunhouse. Ảnh: VEC. |
“Tôi chỉ đặt mục tiêu sản xuất được sản phẩm sản xuất được sản phẩm cạnh tranh nhất với đối thủ của mình. Cách nào giá thành rẻ nhất, hiệu quả thì tôi làm, dù việc đó có cần thay đổi công nghệ hiện đại hơn hay không. Tôi sẵn sàng mua nguyên liệu rẻ nhất ở TrunG Quốc. Tôi cũng không quan tâm máy dán tem sản phẩm hay người dán, chỉ miễn sao cạnh tranh nhất”, ông Phú nói.
Shark Phú cho rằng không quan trọng mình dùng công nghệ gì mà quan trọng nhất là nó phải cạnh tranh nhất. Khi muốn cạnh tranh nhất thì bản thân doanh nghiệp phải tự tìm hướng tăng năng suất lao động, thay đổi chiến lược, có những biện pháp phù hợp. Ngoài ra, tùy từng giai đoạn mà doanh nghiệp sẽ thay đổi nhịp nhàng với từng đối tượng trên thị trường.
Trong khi đó ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo cho rằng doanh nghiệp muốn phát triển, nâng cao năng suất lao động phải áp dụng công nghệ. Công nghệ có thể giúp làm cho sản phẩm tốt hơn, giúp quản lý bộ máy doanh nghiệp hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất trong tăng năng suất lao động. Ảnh: SEV. |
Tuy nhiên, ông Tam nhấn mạnh yếu tố con người vẫn đóng vai trò quan trọng nhất, có những công việc mà máy móc, robot không thể làm thay được. Ông cho rằng cần phải chú trọng đào tạo cho người lao động để tăng năng suất hơn.
Tuy nhiên, ông thừa nhận dù có đào tạo thì doanh nghiệp vẫn phải có một bộ phận giám sát người lao động, đốc thúc thì họ mới chăm chỉ. Ông Tam cho rằng ý thức tự giác của người lao động còn thấp, do đó, việc cần thiết phải có một bộ phận giám sát.
Liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực, Shark Phú nêu kinh nghiệm cần có cơ chế để người lao động tự nâng cao tay nghề, để họ tự nâng cao sức cạnh tranh của mình. Ông nhấn mạnh phải tạo động lực, biến người lao động phải thực hiện công việc của mình tốt lên.
“Nếu so sánh sản phẩm, chúng tôi tự tin cho thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Ngày xưa chúng tôi có đào tạo người lao động, nhưng nay chúng tôi xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ, xây dựng cơ chế lợi ích để kích thích người lao động chuyển mình, tự vận động để làm tốt hơn công việc. Ở công ty chúng tôi, có người làm tốt đã thu nhập tới 10 tỷ đồng một năm”, Shark Phú nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (CEO May 10), thừa nhận không có CEO nào muốn trả lương thấp hay cắt giảm lao động. Với số lương công nhân lớn như May 10 thì việc tạo đột biến về lương thưởng rất khó khăn dù doanh nghiệp này đã nhiều lần tăng lương. Bà Huyền cho biết May 10 đào tạo để giúp người lao động dễ dàng thích ứng hơn và có thể làm tốt công việc của mình, qua đó tăng thu nhập.
Kết luận phiên thảo luận, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng công nghệ và nguồn nhân lực là những yếu tố rất quan trọng giúp tăng năng suất lao động cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp có thể vận dụng theo cách riêng nhưng cần chú trọng vấn đề này.