|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Bình chỉ ra hai yếu tố sống còn giúp startup trụ vững trong dịch, cảnh báo cần chuẩn bị tâm thế cho cuộc chiến kéo dài

07:49 | 02/10/2021
Chia sẻ
Shark Bình cũng nhận định rằng doanh nghiệp, startup và cả người tiêu dùng cần chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chiến kéo dài trước đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Trong suốt nhiều tháng qua, việc giãn cách xã hội kéo dài, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam đã gây ra sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường do không thể trụ lại.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, và chưa thể xác định chính xác khi nào việc giãn cách xã hội được gỡ bỏ hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, nhiều lĩnh vực như du lịch, nghỉ dưỡng,… đã gặp không ít khó khăn trong suốt thời gian qua, gây ảnh hưởng tới startup trong các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, không phải tất cả các lĩnh vực và ngành nghề đều "điêu đứng" trước dịch bệnh. Trong khó khăn, vẫn có một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển thời kỳ sau đại dịch COVID-19.

Thực tế chỉ ra rằng trên thế giới đã có nhiều startup thành công ngay cả trong thời kỳ tâm dịch. Vì vậy, lựa chọn lĩnh vực để khởi nghiệp vào thời điểm này cũng là một điều quan trọng, cần được Founder quan tâm.

Chia sẻ về vấn đề này, Shark Nguyễn Hòa Bình, một "cá mập" trên chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam cho biết: "Chúng ta đang ở lưng chừng dốc và đang có xu hướng leo lên. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đã đánh mất quý III rồi".

Theo ông chủ tập đoàn NextTech, dựa trên tình hình giãn cách xã hội, tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19, các startup gần như đã đánh mất quý III năm nay.

"Giả sử nếu quý IV mọi thứ tiến triển tích cực, tình hình giãn cách cũng như tiêm chủng vắc xin được cải thiện, startup cần nhớ một trong những động lực quan trọng nhất đối với nền kinh tế là tiêu dùng", Shark Bình nói.

Shark Bình: Chuyển đổi số và sản phẩm thiết yếu là hai lĩnh vực giúp startup có thể trụ vững sau đại dịch - Ảnh 2.

Shark Bình tin rằng có hai lĩnh vực giúp startup trụ vững sau đại dịch. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Thực tế, sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, sức tiêu dùng đã bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi các doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, các cá nhân cũng không khá hơn khi phải dùng đến cả những khoản tiết kiệm. Vì vậy, Shark Bình nhận định trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021, vấn đề tiêu dùng cũng là một thách thức với nền kinh tế nước nhà.

"Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng những startup liên quan đến các vấn đề thiết yếu của xã hội, ví dụ như thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất có liên quan đến xuất khẩu sẽ trụ được trên thị trường thời kỳ hậu đại dịch. Ngoài ra, một ngành công nghiệp khác cũng có khả năng tăng trưởng là những startup liên quan tới chuyển đổi số, phục vụ cho việc giao tiếp từ xa", Shark Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị "cá mập" này cũng nhận định rằng cuộc chiến với đại dịch COVID-19 là một cuộc chiến dài hơn, thậm chí có thể còn khó khăn hơn nếu xuất hiện những biến thể mới. Thực tiễn chỉ ra nhiều nước khác trên thế giới, bao gồm cả những quốc gia lớn, đã từng phải thực hiện giãn cách kéo dài lên tới nửa năm. Vì vậy, cả doanh nghiệp, startup hay cá nhân đều phải chuẩn bị tâm thế để đối đầu với thử thách.

Shark Bình cũng được biết đến là một người có khẩu vị với startup chuyển đổi số. Với chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 vừa kết thúc, ông chủ Tập đoàn NextTech cho rằng khả năng thuyết trình của các startup đã được cải thiện, nhưng họ cần cải thiện một số điểm yếu, chẳng hạn như bớt nói về sản phẩm, ước mơ; chuẩn bị kỹ càng về kế hoạch kinh doanh; sử dụng phần mềm;…

Trong mùa 4, Shark Bình đã có 9 thương vụ thành công với tổng số tiền cam kết đầu tư hơn 37 tỷ đồng. Đặc biệt, CoolMate và Shark Bình đã tạo ra một thương vụ đặc biệt trên sóng Shark Tank khi trở thành startup được giải ngân sớm nhất lịch sử chương trình, qua đó chứng minh tính quyết liệt trong đầu tư của Shark Bình.

Coolmate cũng chính là thương vụ có số tiền cam kết đầu tư lớn nhất mà Shark Bình thực hiện trong mùa 4, hơn 11,5 tỷ đồng. Ngược lại, thương vụ mà ông chủ NextTech cam kết đầu tư với số tiền nhỏ nhất là LMS Acedemy của Founder Phan Bảo Long, hơn 460 triệu đồng. Đây cũng là thương vụ có sự tham gia của cả 5 "cá mập".

Quốc Anh