|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiền chảy vào startup ứng lương trước tăng gấp 6 lần sau một năm: Án tử cho tín dụng đen liệu đã tới?

07:10 | 24/09/2021
Chia sẻ
Các startup ứng lương giúp người lao động có thể nhận lương sớm với một khoản phí nhỏ.

Các startup ứng lương đang bắt đầu phát triển tại khu vực Đông Nam Á với hy vọng có thể "sao chép" được thành công được chứng minh ở Châu Âu và Mỹ. Các startup này giúp công nhân viên được ứng lương ngay lập tức và không cần phải tìm đến các khoản tín dụng đen với lãi suất rất cao.

Tại Đông Nam Á, các startup ứng lương càng được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh những người lao động đang lao đao vì bệnh dịch.

Ứng lương trước cho người lao động: Xu hướng startup mới tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng có 2 đại diện - Ảnh 1.

Các startup ứng lương cho phép người lao động được nhận lương sớm trước ngày nhận lương thông thường. Các startup ứng lương tự động hoá quá trình này đổi lại bằng một khoản phí rút tiền nhỏ. Trong một vài trường hợp, các chủ doanh nghiệp sẽ chịu luôn chi phí từ việc người lao động được nhận lương sớm.

Khi ngày trả lương tới, chủ doanh nghiệp sẽ chuyển tiền lương người lao động đến cho startup ứng lương để thu lại khoản đã ứng.

Ứng lương trước cho người lao động: Xu hướng startup mới tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng có 2 đại diện - Ảnh 2.

(Ảnh: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Dịch vụ ứng lương có thể giúp cải thiện cuộc sống của những người lao động vốn phụ thuộc vào đồng lương hàng tháng. Thực tế, trên phạm vi toàn cầu, các nhà đầu tư đang cực kỳ quan tâm đến các startup mảng ứng lương này.

Ứng lương trước cho người lao động: Xu hướng startup mới tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng có 2 đại diện - Ảnh 3.

Xu hướng đầu tư vào mảng startup ứng lương tăng vọt trong năm 2021. (Đơn vị: triệu USD, Nguồn: PitchBook, Đồ hoạ: Thái Sơn).

PayActiv (Mỹ) là một trong những công ty tiên phong trong mảng ứng lương và đã kêu gọi được gần 134 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm SoftBank Capital. Năm 2021, PayActiv hợp tác với Walmart, công ty có hàng triệu công nhân viên ở Mỹ. Theo một nghiên cứu vào năm 2018 của Trường Havard Kennedy, người dùng PayActiv ít nhất hai lần có tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn người dùng PayActiv một lần tới 19%.

DailyPay, một công ty ứng lương của Anh với các khách hàng lớn như Kroger, cũng đã kêu gọi được 514 triệu USD, chủ yếu dưới hình thức khoản vay, theo Crunchbase. Tháng trước, "ông lớn" fintech Revolut cũng chính thức giới thiệu tính năng nhận lương sớm trên nền tảng của mình.

Thông thường, các ứng dụng ứng lương không thu lãi người dùng. Dù vậy, cũng có thể có một số ứng dụng cung cấp khoản vay dựa trên lương và thu lãi thấp.

Ứng lương trước cho người lao động: Xu hướng startup mới tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng có 2 đại diện - Ảnh 4.

Dù vậy, mảng ứng lương vẫn còn khá mới mẻ ở Đông Nam Á. Một nhà đầu tư nói với Tech in Asia rằng các chủ doanh nghiệp cần thêm thời gian để làm quen với ý tưởng này. Lý do là bởi chưa có nhiều công ty coi trọng phúc lợi của nhân viên, đặc biệt là người lao động phổ thông.

Ứng lương trước cho người lao động: Xu hướng startup mới tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng có 2 đại diện - Ảnh 5.

Các startup ứng lương đáng chú ý ở Đông Nam Á (vốn đầu tư chỉ tính những món đầu tư công khai). (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Ông Vinnie Lauria, đối tác sáng lập Golden Gate Ventures, nói rằng công ty đầu tư mạo hiểm này đã quan sát mảng ứng lương trong nhiều năm.

Ông tin rằng mô hình ứng lương trọn vọn cùng eKYC và ví điện tử phù hợp với Đông Nam Á, trong bối cảnh gần 300 triệu dân tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Như vậy, mô hình ứng lương cũng thúc đẩy nhóm dân số này tiếp cận với ý tưởng về ngân hàng số.

Hồi tháng 3, Golden Gate đồng dẫn dắt khoản đầu tư 3 triệu USD vào Nano Technologies, một startup Việt Nam có sản phẩm ứng dụng ứng lương "Vui". Nano Technologies được ông Đặng Việt Dũng, cựu giám đốc Uber Việt Nam, sáng lập vào năm 2020 và hiện đã có một số khách hàng lớn như LanChi Mart và Annam Gourmet.

Ông Lauria nói rằng việc Việt Nam là một "cứ điểm" sản xuất trong khu vực sẽ là chất xúc tác cho mảng ứng lương phát triển. Theo ông, một ứng dụng ứng lương chỉ thành công khi giúp người dùng thoát khỏi đói nghèo và cung cấp thêm các giá trị gia tăng như công cụ giáo dục tài chính, hướng dẫn tài chính và lập ngân sách.

Bên ngoài Đông Nam Á, PayActiv (Mỹ) và Wagestream (Anh) cũng đang dần biến đổi thành một nền tảng sức khoẻ tài chính. Ở Việt Nam, một startup có tên Gimo cũng đang hướng đến mục tiêu tương tự.

Ông Nguyễn Anh Quân, CEO Gimo, thừa nhận việc một công ty ứng lương nội địa có thể sao chép được mô hình kinh doanh của Mỹ hay Anh là điều không thể. Tại các quốc gia này, thông tin nhân sự và thông tin lương có mức độ minh bạch cao hơn.

Vì các công ty này đi theo mô hình B2C2C, họ cần phải đưa các chủ doanh nghiệp lên nền tảng trước. "Chúng tôi cần tìm hiểu các chủ doanh nghiệp muốn hỗ trợ điều gì và sau đó tinh chỉnh sản phẩm", ông Quân chia sẻ.

Một số tính năng của Gimo giống các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ nhân sự. Startup này nói rằng nó có thể giúp các chủ doanh nghiệp tạo ra bảng lương theo thời gian thực, nâng cấp hệ thống chấm công hoặc tạo hạn mức rút lương cho nhân viên tuỳ theo thâm niên.

Ra mắt vào đầu năm 2021, Gimo nhận được vòng đầu tư hạt giống từ ThinkZone Ventures và BK Fund hồi tháng 3 và cho biết đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Công ty này hướng đến các nhà bán lẻ và nhà máy đồng thời dự định mở rộng tập khách hàng từ 8.000 lên 50.000 cho tới cuối năm nay. Gimo thu người lao động một mức phí cố định dựa trên số lương mà họ cần ứng trước.

Ông Nguyễn Anh Quân, người từng có kinh nghiệm ở IDG và Citibank, tin rằng mô hình ứng lương rất quan trọng với Việt Nam. Ông ước tính rằng thị trường khả dụng cho mảng này có thể lên tới 25 – 26 triệu người lao động thu nhập thấp.

Ứng lương trước cho người lao động: Xu hướng startup mới tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng có 2 đại diện - Ảnh 6.

Mặc dù ứng lương là một công cụ tốt để thu hút người dùng, các startup ứng lương cần mang đến cho người dùng nhiều lợi ích hơn, ví dụ như các công ty tiết kiệm số hay đầu tư số. Các startup ứng lương có thể tăng quy mô theo hai cách: nhắm đến các công ty lớn với số lượng nhân sự lớn, hoặc theo đuổi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn linh hoạt hơn với công nghệ mới).

Với mô hình B2B2C, các startup ứng lương sẽ "đốt tiền" ít hơn các ứng dụng tiêu dùng.Thông thường, nhiều người lao động sẽ vay tiền và dùng các khoản thu nhập trong tương lai để trả. Dù vậy, việc ứng lương theo yêu cầu trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người, ông Quân chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Backbase và Forrester Consulting, 67% người tiêu dùng Việt "cảm thấy căng thẳng" về tài chính vì COVID-19.

Dù vậy, ở Mỹ, nhiều quan ngại cho rằng các startup ứng lương khiến người lao động khó tiết kiệm hơn vì họ có xu hướng rút tiền mặt. "Nó tuỳ thuộc vào các bạn nhìn nhận", ông Argawal, đồng sáng lập GajiGesa, nói.

Với ông, giáo dục tài chính là vẫn ưu tiên hàng đầu của GajiGesa. "Mô hình của chúng tôi được thiết kế để giúp người lao động thoát khỏi các khoản vay nặng lãi. Chúng tôi không muốn mình trở thành vấn đề mà chúng tôi đã bắt đầu", ông khẳng định.

Nam Khánh