|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Dũng chỉ ra 3 yếu tố quan trọng các startup cần chú ý khi gọi vốn nếu muốn nhà đầu tư xuống tiền

07:15 | 22/09/2021
Chia sẻ
Trước khi xuống tiền đầu tư, Shark Dũng thường đánh giá startup dựa trên ba yếu tố gồm quy mô thị trường, đội ngũ tham gia và sản phẩm.

Shark Dũng tên thật là Nguyễn Mạnh Dũng, hiện đang điều hành quỹ đầu tư Do Ventures cùng bà Lê Hoàng Uyên Vy (cựu đối tác chiến lược của ESP Capital). Trước đây, ông Dũng từng là Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Việt Nam và Thái Lan.

Trước đây, ông Dũng từng đưa ra quyết định đầu tư vào Tiki, Foody (sau đó Sea mua lại và trở thành Now), CleverAds hay NhacCuaTui. Cái tên Shark Dũng được biết đến nhiều hơn khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ. Ông được biết đến là "cá mập có khẩu vị mạo hiểm", yêu thích đầu tư vào startup có yếu tố công nghệ.

Tuy nhiên, cũng giống như các nhà đầu tư khác, không phải thương vụ nào trong danh mục đầu tư của Shark Dũng cũng đem lại thành công. Chính Shark Dũng cũng chia sẻ rằng có hai lý do chính dẫn đến thất bại khi đầu tư, gồm nhìn sai người và tham gia thị trường không đúng thời điểm, theo TV Hub.

Shark Dũng: 'Đầu tư thất bị vì sai người, sai thời điểm' - Ảnh 1.

Shark Dũng là một "cá mập" trong chương trình Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

"Khởi nghiệp đã xác định rất nhiều rủi ro và thách thức, quan trọng là mình có dám đương đầu với thử thách hay không", Shark Dũng chia sẻ.

Vị "cá mập" cho biết lý do đầu tiên để ông xuống tiền đầu tư cho một lĩnh vực đầu tư là quy mô thị trường, thứ hai là đội ngũ những người sẽ thực hiện dự án và cuối cùng là sản phẩm. "Nếu sở hữu một đội ngũ tốt, startup có thể xây dựng những sản phẩm tốt trong thị trường lớn. Thông thường, những người giỏi sẽ bơi ra biển lớn", ông Dũng cho biết.

"Biến lớn chính là thị trường lớn, nơi có nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thử thách. Một đội ngũ tốt sẽ biết đâu là nền tảng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho dù startup đó có xuất phát sau". Shark Dũng nói thêm, đồng thời đề cập tới khái niệm 3P1C gồm Places (địa điểm), People (con người), Products (sản phẩm), Competitive Advantages (lợi thế cạnh tranh).

"Sau khoảng 11 năm tham gia đầu tư tại thị trường Việt Nam, trải qua 25-30 công ty, đã nhận được đầu tư từ các quỹ khác, chắc chắn tôi có thất bại. Lý do nhìn sai người chắc chắn có. Ví dụ tôi nhìn thấy một người có đam mê, năng lực, nhưng họ chỉ có thể làm tốt khi có người vạch sẵn sản phẩm. Ngược lại, nếu để họ tự thiết kế sản phẩm và xây dựng chiến lược thì lại chưa đạt được kỳ vọng", Shark Dũng cho biết.

Ngoài ra, ông chia sẻ với những trường hợp như trên, sản phẩm có thể tung ra thị trường quá muộn, dẫn dến việc đi sau các sản phẩm của đối thủ trong nước hoặc nước ngoài. Điều này sẽ làm tăng khả năng thất bại.

"Đầu tư không phải là mục tiêu, đầu tư thành công mới là mục tiêu. Khi đầu tư xong, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ các startup mọi thứ có thể trong khả năng của bản thân, từ nguồn lực, tìm kiếm đối tác, khách hàng, kêu gọi vốn,… Trong nhiều trường hợp, tôi trở thành nhà tư vấn hoặc cánh tay phải cho chính founder", lãnh đạo Do Ventures cho biết.

Bên cạnh đó, Shark Dũng cũng khuyên startup nên tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam vì một số lý do, chẳng hạn như vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để đương đầu với một dàn "cá mập", những người có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau.

"Khi đương đầu với "cá mập", mỗi câu hỏi đưa ra là một ẩn số cho founder đi tìm lời giải cho chính startup của mình", Shark Dũng nhận định. Đồng thời, ông ví việc gặp gỡ các Shark giống như một credit (tín dụng) để mở ra các cuộc gặp tiếp theo cũng như để các nhà đầu tư khác có thêm niềm tin với startup.

Shark Dũng đã không tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4. Vì vậy, nhiều người đang mong chờ sự trở lại của một trong những "cá mập" trẻ nhất chương trình trong mùa 5.

Quốc Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.