|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cá mập' hiến kế vận hành startup trong trạng thái bình thường mới, chỉ ra ba điểm mà công ty khởi nghiệp cần lưu ý

07:36 | 21/09/2021
Chia sẻ
Shark Dũng, Shark Hồng Anh đã chỉ ra những điều mà startup nên lưu tâm khi bước vào trạng thái bình thường mới, trong đó có một yếu tố được tất cả nhắc tới.

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống trên toàn cầu. Tất nhiên, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Việc dịch bệnh bùng phát không chỉ gây ra những xáo trộn đối với đời sống con người mà nó còn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế. Trong kinh doanh, thuật ngữ "bình thường mới" đã từng xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008. Giờ đây, thuật ngữ này một lần nữa xuất hiện, đề cập tới tình hình kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Startup là một phần của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Rõ ràng, đại dịch đã gây ra nhiều khó khăn với các startup. Là một trong những "cá mập" từng xuất hiện trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam, tham gia vào nhiều thương vụ đầu tư, Shark Dũng - Nguyễn Mạnh Dũng, Co - founder Do Ventures, đã có những chia sẻ về những điều mà startup cần ghi nhớ trong trạng thái bình thường mới.

"Đầu tiên là sự linh hoạt, startup cần phải thay đổi. Thứ hai, các bạn cần chuẩn bị dòng tiền đủ dài. Trước đây các bạn có thể chuẩn bị từ 6 – 12 tháng thì bây giờ nên chuẩn bị từ 18 – 24 tháng.

Khi đại dịch bùng phát, việc gọi vốn những vòng tiếp theo có thể phải mất cả năm thay vì một, hai tháng như trước đây. Cuối cùng là quản lý tài chính. Startup cần cắt giảm chi tiêu, chỉ tập trung vào những gì tác động tích cực tới việc tăng doanh số", lãnh đạo Do Ventures chia sẻ.

Shark Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Tập đoàn DHA Corp, kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn TCC cũng có chung quan điểm với Shark Dũng. Tuy nhiên, ông Hồng Anh bổ sung rằng startup nên cố gắng mời gọi đối tác.

"Khi đang gặp khó, nếu muốn mạnh hơn thì startup cần cộng hưởng sức mạnh. Vì vậy, startup cần tìm kiếm các đối tác có thể bổ sung sức mạnh cho doanh nghiệp, chẳng hạn như vốn, kinh nghiệm quản trị, điều hành,…", Shark Hồng Anh nhận định. Ông nói thêm rằng startup cần tìm một hệ sinh thái để tham gia, tận dụng để giảm bớt các gánh nặng về chi phí.

'Startup trong trạng thái bình thường mới cần quan tâm tới quản lý chi phí, vận hành doanh nghiệp, định giá,...' - Ảnh 1.

Shark Dũng và Shark Hồng Anh có chung quan điểm về những điều startup cần ghi nhớ khi bước vào trạng thái bình thường mới. (Nguồn: Shark Tank Việt Nam).

Trong khi đó, chia về các yếu tố của startup để một quỹ quyết định xuống tiền đầu tư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư Dragon Capital cho biết: "Điểm đầu tiên khi nhìn vào startup là Founder, để xem họ có sự dấn thân hay không, họ có một tầm nhìn chiến lược hay không, đặc biệt quản trị doanh nghiệp có minh bạch hay không.

Nếu không biết tiền của startup được sử dụng hay quản lý như thế nào, các nhà đầu tư sẽ rất khó để tham gia. Thứ hai, đó là tính hiện thực của các startup, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Cuối cùng là việc quản lý dòng tiền".

Ngoài ra, ông Tuấn cũng lấy ví dụ rằng nếu không nhận được tiền từ nhà đầu tư, startup có thể tồn tại trong bao lâu. Đấy cũng là một trong những điểm quan trọng trước khi các quỹ đầu tư rót vốn vào startup.

Về phần mình, khi được hỏi tới những vấn đề mà startup nên lưu ý trong trạng thái bình thường mới, tiến sĩ Trần Vinh Dự, thành viên Ban điều hành cấp cao công ty Ernst & Young (EY) chia sẻ: "Trong giai đoạn khó khăn, vấn đề đầu tiên tôi nghĩ đến là quản lý chi phí. Một vài startup khi mới gọi được vốn, ngay lập tức thay đổi cách vận hành, điều này khiến doanh nghiệp đi xuống rất nhanh.

Điều thứ hai, làm việc chăm chỉ. Cuối cùng là tới câu chuyện định giá. Số lượng startup cần tới các Shark trong thời buổi khó khăn là rất nhiều, còn khả năng của các Shark thì có hạn. Vì vậy, càng khó khăn thì startup càng nên tỏ ra khiêm nhường, định giá doanh nghiệp hợp lý".

Có thể thấy, vấn đề quản lý chi phí của startup được các Shark và chuyên gia quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác như Founder, cách vận hành, định giá,…

Trên thực tế, có nhiều câu chuyện về khởi nghiệp thành công trong mùa dịch, cả ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế có thể đối mặt với nhiều thay đổi khi bước vào trạng thái bình thường mới. Do đó, các startup có thể ghi nhớ những lời khuyên từ các chuyên gia để chuẩn bị cho cuộc sống sau đại dịch.

Quốc Anh