Sếp Cốc Cốc kể chuyện bị Google và Apple chèn ép ngay tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự cạnh tranh lành mạnh
Tại buổi "Tọa đàm cấp cao kinh tế số - Chìa khóa tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" do Tập đoàn IEC và Tập đoàn HPE chủ trì tổ chức, ông Nguyễn Thế Quang – Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương có đưa ra vấn đề về lĩnh vực giải trí trong mùa dịch.
Chia sẻ về xu hướng, nhu cầu giải trí theo hình thức trực tuyến tại Việt Nam, bà Đào Thu Phương, Phó Tổng giám đốc điều hành Cốc Cốc, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm và trình duyệt cho biết: "Về cơ bản, Cốc Cốc khác với nhiều doanh nghiệp, chúng tôi không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thậm chí, dịch bệnh COVID-19 lại mang đến nhiều tác động tích cực hơn tiêu cực cho chúng tôi".
"Nữ tướng" Cốc Cốc cho rằng trong thời gian dịch bệnh, mọi người ít ra ngoài hơn và tăng tước tác trên internet thông qua các thiết bị di động. Chính vì vậy, nhu cầu giải trí càng được nâng cao bởi nó ảnh hưởng đến tâm lý của mọi người trong mua dịch.
Đồng thời, bà nhấn mạnh Cốc Cốc không gặp quá nhiều khó khăn để phát triển các tính năng để phục cho công việc giải trí hoặc học tập của người dùng, cả về mặt kỹ thuật và mặt thị trường. Ngoài ra, internet là một môi trường mở, và điều này càng tạo thêm thuận lợi cho Cốc Cốc để phát triển các tính năng giải trí.
Cốc Cốc: Cạnh tranh không lành mạnh đến từ Apple và Google
Tuy nhiên, thời gian qua, khi xu hướng thế giới dịch chuyển dần sang mảng điện thoại thông minh, các ứng dụng giải trí thường được kiểm duyệt bởi những gã khổng lồ là Apple và Google. Chính vì vậy, Cốc Cốc chịu sự phụ thuộc vào hai doanh nghiệp này, bà Phương chia sẻ.
"Điều chúng tôi cảm thấy khó khăn nhất là sự cạnh tranh không được lành mạnh lắm trên thị trường nội địa, dù chúng tôi phải tuân thủ quy định toàn cầu của Apple và Google.
Ví dụ, bất kỳ tính năng nào mà chúng tôi phát triển mang tính chất đáp ứng nhu cầu giải trí của người dùng, mặc dù không vi phạm quy định nào của Apple và Google, nhưng nó có thể liên quan tới những nền tảng khác mà họ sở hữu, chẳng hạn như YouTube. Khi đó, Apple và Google sẽ yêu cầu chúng tôi gỡ ngay, nếu không gỡ thì chúng tôi sẽ bị gỡ khỏi Store, không thể tiếp cận người dùng", bà Phương chia sẻ về khó khăn của Cốc Cốc.
Ngoài ra, một khó khăn khác mà Cốc Cốc gặp phải khi phát triển các ứng dụng đó là rất khó để tiếp cận các nhà sản xuất thiết bị di động vì họ cũng có những thỏa thuận với Google Play Store để được cài Android cũng như những ứng dụng khác của Google. Do đó, Cốc Cốc rất hạn chế để tiếp cận người dùng.
Chính vì vậy, lãnh đạo Cốc Cốc mong muốn trong tương lai sẽ nhận được những sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để có sự cạnh tranh lành mạnh hơn cùng Google và Apple. "Tại châu Âu, chúng ta thấy rằng người dùng có thể tùy ý lựa chọn xem ứng dụng nào có thể đặt làm mặc định trên điện thoại.
Họ có thể sử dụng Google Chrome hoặc Yandex. Nhờ đó, các công ty có cơ hội tiếp cận người dùng như nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta chưa có sự lựa chọn đó", bà Phương chia sẻ.
Trước đó, Cốc Cốc từng nhiều lần phản ánh về tình trạng bị đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Một số đơn vị đã lợi dụng các chuỗi UA để chặn người dùng truy cập vào nhiều trang web, dịch vụ trên internet.
Cụ thể, thông qua chuỗi UA, Google đã liên tục chặn một số dịch vụ của Cốc Cốc, chẳng hạn như việc người dùng Cốc Cốc không thể đăng nhập bằng tài khoản Google như Gmail để đồng bộ trình duyệt vào hồi tháng 5.
Đây cũng là tình trạng xảy ra ở một số trang web. Khi người dùng Cốc Cốc truy cập những trang web này, sẽ có hiển thị cảnh báo với nội dung "hãy thay đổi trình duyệt của bạn sang Chrome" hoặc "vui lòng cập nhật trình duyệt của bạn".
Tác nhân người dùng – User agent (viết tắt: UA) – là một chuỗi văn bản giúp định danh trình duyệt khi kết nối tới các trang web. Các trình duyệt khác nhau sẽ có chuỗi UA riêng biệt khác nhau.
Giải thích một cách đơn giản hơn, chuỗi UA sẽ giúp xác định được người dùng đang truy cập bằng trình duyệt nào, hệ điều hành gì và thậm chí là cả loại thiết bị (di động, máy tính hay máy tính bảng) mà họ đang sử dụng chỉ nhờ quá trình duyệt web thông thường.
Điều này cũng buộc Cốc Cốc phải chuyển thông tin chuỗi UA của mình sang sử dụng của Google Chrome. Việc chuẩn bị và triển khai chuyển đổi UA đã được Cốc Cốc thực hiện từ nhiều tháng trước và hoàn thành vào cuối tháng 8/2021.
"Cốc Cốc là một trong số ít những đối thủ tại thị trường nội địa của Google. Trên thế giới chỉ có khoảng 10 công cụ tìm kiếm và trình duyệt nội địa có khả năng cạnh tranh với "ông lớn" này.
Có thể chính vì vậy mà Cốc Cốc luôn gặp những khó khăn trong việc phát triển người dùng khi đối thủ của mình tận dụng lợi thế độc quyền vô cùng lớn của họ", ông Nguyễn Vũ Anh, Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc chia sẻ.
"Sau khi xem xét kỹ lưỡng, đội ngũ Cốc Cốc nhất trí đặt trải nghiệm của người dùng và tính ổn định cho sản phẩm lên trên nhất. Do đó, chúng tôi chấp nhận bỏ đi "đặc điểm nhận dạng" của mình – chính là thông tin về UA, chấp nhận khả năng sụt giảm trong một số công cụ thống kê và chuyển sang sử dụng chuỗi UA của Google Chrome".
Trên thực tế, Cốc Cốc không phải đơn vị đầu tiên gặp phải điều này. Trước đó, các trình duyệt như Brave hay Vivaldi cũng phải chuyển các tác nhân người dùng để có quyền truy cập vào các trang web khác nhau.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/