Thực tế cay đắng trong ngành công nghệ Trung Quốc: Nhiều việc, thu nhập cao nhưng không có chỗ cho người trên 35 tuổi
Khi Annie Li nói với vị giám đốc tuyển dụng của công ty game Trung Quốc mà cô đang nộp đơn xin việc rằng cô đã 35 tuổi, đã kết hôn nhưng chưa có con, Li cảm thấy giọng của người phỏng vấn đột ngột trùng xuống.
"Trước khi nói với người phỏng vấn về tuổi và tình trạng hôn nhân, cuộc phỏng vấn diễn ra khá trôi chảy", Li nói. "Một khi đã nhắc đến những điều đó, thái độ của bà ấy đột ngột thay đổi. Bà ấy kết thúc cuộc phỏng vấn và nói rằng kinh nghiệm của tôi phù hợp với một công ty nước ngoài và tôi không phù hợp với họ".
Cô Li đoán rằng mình đã chạm đến một rào cản vô hình, không phải vì là phụ nữ mà vì cô không còn trẻ.
Ở Trung Quốc, nhiều nhà quan sát nói rằng mức độ cạnh tranh của người lao động trong các ngành phát triển nhanh giảm mạnh khi họ bước sang tuổi 35. Không ít nhà tuyển dụng thậm chí còn đặt ra tiêu chí "dưới 35 tuổi" trong mô tả công việc.
Ở ngành công nghệ, sự phân biệt về độ tuổi thậm chí còn rõ ràng hơn. Các nhân sự trên 35 tuổi và chưa đạt đến vị trí quản lý thường có nguy cơ bị sa thải cao nhất khi công ty thực hiện cắt giảm chi phí, theo SCMP.
Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Quốc gia nói rằng gần 2/3 số người Trung Quốc từ 35 tuổi trở lên mất việc vào tháng 3/2020 vẫn tìm việc vào 6 tháng sau đó.
Ở Trung Quốc, độ tuổi kết hôn trung bình là 27,1 đối với đàn ông và 24,9 đối với phụ nữ. Vì thế, tuổi 35 thường đi kèm với các nghĩa vụ làm cha mẹ. Phụ nữ trong độ tuổi này thường được nghỉ sinh ít nhất 14 tuần theo luật Trung Quốc. Con số này là 18 tuần ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Đây là khoảng thời gian dài trong những ngành có tốc độ phát triển cao như công nghệ.
Mặc dù phân biệt đối xử tuổi tác là điều không được phép tại nhiều quốc gia, điều này không bị cấm ở Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân đang đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và thiếu hụt lao động sau hơn 3 thập kỷ áp dụng chính sách một con.
Huawei từng vướng phải một rắc rối lớn vào năm 2020 khi "ông lớn" này sa thải khoảng 7.000 nhân sự, phần lớn trong số này đang ở độ tuổi 35. Ông Nhậm Chính Phi, CEO Huawei, sau đó xác nhận rằng Huawei không đánh giá nhân sự của mình theo độ tuổi.
Theo một báo cáo mà công ty tuyển dụng trực tuyến Maimai tung ra hồi tháng 3 năm ngoái, độ tuổi trung bình của nhân sự 19 công ty Internet hàng đầu Trung Quốc là 29,6 tuổi. ByteDance và Pinduoduo, hai công ty công nghệ đang lên ở Trung Quốc, thậm chí còn tuyển dụng nhân sự trẻ hơn với độ tuổi trung bình chỉ 27.
Thế nhưng, khi tuổi trung bình của người dân tăng lên và nguồn cung nhân sự trẻ hạn chế, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu các công ty công nghệ có phá bỏ rào cản tuổi tác vô hình mà mình đang tạo ra.
Trong khi báo cáo của Maimai cho thấy tuổi trung bình của nhân viên Tencent là 29, báo cáo thường niên của Tencent trong năm ngoái vẽ ra một bước tranh sáng sủa hơn.
"Ông lớn" internet này có 30.714 nhân viên ở độ tuổi từ 30 đến 50 trong khi đó có 20.548 nhân viên dưới 30 tuổi. Dù vậy, công ty này chỉ có 88 nhân viên từ 55 tuổi trở lên. Không ai trong số 13 lãnh đạo đứng đầu của Tencent có độ tuổi trên 55.
Vì sao và như thế nào điều này lại có thể xảy ra tại một quốc gia và văn hoá vốn đề cao kinh nghiệm và kĩ năng của những người có kinh nghiệm lâu năm?
"Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc nhắm đến đối tượng người dùng trẻ, yêu công nghệ, vì thế không khó hiểu khi các công ty này tuyển dụng nhóm ứng siêu tương đồng với đội tuổi người dùng mục tiêu để có thể hiển sâu hơn về hành vi và nhu cầu người dùng", ông Brian Tang, giám đốc LITE Lab, tại Đại học Hong Kong, chia sẻ.
Ông Tang nói thêm rằng mọi thứ có thể thay đổi ở thời điểm hiện tại khi ngành công nghệ đối mặt với vấn đề liên quan đến quản lý hơn tại Trung Quốc. Họ có thể cần phải tuyển dụng nhiều nhân sự rủi ro và tuân thủ có kinh nghiệm hơn và già dặn hơn.
Matt Liu, một lập trình viên Trung Quốc 40 tuổi, nói rằng khác bác sỹ hay một số ngành nghề khác khi càng già dặn thì ứng viên càng được săn đón, giá trị thị trường của lập trình viên giảm dần theo độ tuổi.
"Những công việc tốt dành cho chúng tôi trở thành những công việc không liên quan đến lập trình. Công việc tốt xoay quanh quản lý đội nhóm và các công việc khác ngày càng xa rời việc lập trình", ông chia sẻ.
Joseph Zhu, một lập trình viên ở độ tuổi 30, cũng đồng ý với quan điểm rằng công việc và tuổi tác là kẻ thù của nhau trong ngành này.
"Nếu bạn đổi việc khi đã có tuổi, bạn không còn đáp ứng được các vấn đề cơ bản", ông Zhu nói. "Điều này là bởi công nghệ phát triển với tốc độ cao trong ngành Internet. Nếu bạn có kỹ năng để sáng tạo ra chiếc bánh xe, bạn sẽ không bao giờ "lỗi thời". Nhưng nếu bạn chỉ là người dùng chiếc bánh xe, mọi thứ sẽ khó khăn hơn khi bước vào giai đoạn trung tuổi", ông nói.
Một số quan điểm khác nói rằng sở dĩ các công ty công nghệ lớn muốn tìm người trẻ là bởi điều kiện làm việc khắc nghiệp với văn hoá "996" (làm việc 12 giờ mỗi ngày, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần).
Với những người như Li, phân biệt đối xử với tuổi tác là một vấn đề khó chấp nhận. Cô có bằng thạc sỹ từ một trường đại học hàng đầu Hong Kong và có hàng chục năm kinh nghiệm ở mảng game.
Cô Li mất công việc trước 2 tháng trước khi một startup game nước ngoài quyết định đóng cửa văn phòng ở Quảng Châu. Li chưa từng cảm thấy mất mát nhiều hơn thế. Sau khi nộp hơn 30 đơn xin việc, cô chỉ được 5 nơi gọi phỏng vấn.
"Hồ sơ của tôi thường phù hợp tới 98% mô tả công việc nhưng một số nơi ghi rõ họ cần những người dưới 35 tuổi", Li nói. Cuối cùng, Li tìm được công việc là giám đốc đầu tư tại một quỹ tập trung vào mảng game sau khi được một người bạn giới thiệu. Công việc này không tệ nhưng những trải nghiệm khó khăn của Li vẫn làm bà cảm thấy "cay đắng".
Jimmy Zhao, một chuyên gia tuyển dụng tại HRPartners (Thâm Quyến) cho biết độ tuổi lý tưởng cho ngành Internet là dưới 40 tuổi.
"Thị trường lao động Trung Quốc ngày càng nhạy cảm với tuổi tác và tỷ lệ nghỉ việc rất cao", ông Zhao nói và nhận định thêm rằng sau tuổi 35 nhiều người cảm thấy khó phát triển được tiếp.
Anh Mike Dai, một lập trình viên kiêm thiết kế game sinh vào những năm 1980, nới với SCMP rằng anh tin rằng các công ty Trung Quốc rồi cũng sẽ cần đến những người lao động có tuổi khi dân số già đi.