|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên làm tốt nhất có thể, đồng thời thúc đẩy để tạo ra kết quả tích cực

08:36 | 23/09/2021
Chia sẻ
Để lãnh đạo, trước tiên cần có tham vọng. Thay vì cứ chờ đợi cấp trên an bài sự nghiệp cho mình, tôi sẽ tự đảm đương lấy trách nhiệm đó. Một số người sẽ cảm thấy thoải mái khi thể hiện tham vọng, nhưng số khác thì không, đặc biệt là phụ nữ.
Làm thế nào để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba? 9 lời khuyên từ một nữ CEO tham vọng và bản lĩnh - Ảnh 1.

Ảnh: ideas.ted.

Một bài viết của Anjali Sud.

Anjali Sud, 37 tuổi, hiện đang là giám đốc điều hành của Vimeo, một nền tảng đăng tải và chia sẻ video toàn cầu với những con số ấn tượng: 850 nhân viên, 200 triệu người dùng và đến 350.000 video được đăng tải hàng ngày. Anjali trở thành CEO vào năm 2017, và Vimeo vừa trở thành một công ty đại chúng vào tháng 5/2021.

Trong một buổi trao đổi trên LinkedIn Live cùng với tổ chức TED, cô thừa nhận, “Từ thời niên thiếu, tôi đã mơ ước được trở thành một CEO”. Và sau đây là những lời khuyên hữu ích từ Anjali giúp bạn vươn lên vị trí này. 

1. Để lãnh đạo, trước tiên cần có tham vọng...

Vị CEO chia sẻ: “Tôi luôn muốn trở thành một nhà lãnh đạo. Vì vậy, dù là đang ở vị trí nào, tôi cũng trao đổi thẳng thắn với cấp trên của mình. Cuộc trao đổi có lúc thuận lợi và cũng có lúc không, nhưng tôi vẫn sẽ tự tin cho họ biết rằng: ‘Là một người cầu tiến và có ích, tôi muốn thực hiện việc X hoặc Y này, vậy nên hãy nhớ đến tôi khi có cơ hội xuất hiện nhé’, hay ‘Tôi nghĩ đây là một ý tưởng rất thú vị đấy, sếp nghĩ sao về việc này?’

Thay vì cứ chờ đợi cấp trên an bài sự nghiệp cho mình, tôi tự đảm đương lấy trách nhiệm đó. Bạn cần làm quen với việc tỏ rõ nguyện vọng về sự nghiệp của mình, nên tôi thường tự mô tả bản thân là một người 'tham vọng đầy táo bạo'. Một số người sẽ cảm thấy thoải mái khi thể hiện tham vọng, nhưng số khác thì không, đặc biệt là phụ nữ. 

Chúng ta cần phải xóa bỏ định kiến và nên khuyến khích những người có hoài bão. Thay vì nhìn nhận chủ đề này theo hướng cá nhân, hãy cùng thảo luận và đóng góp về việc tham vọng sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp mở ra rất nhiều cơ hội.”

2. … nhưng cũng cần hiểu rõ thế nào là lãnh đạo

“Nhiều người trẻ tôi trò chuyện cùng, họ bị áp lực phải thăng tiến trong sự nghiệp. Tôi nghĩ họ cần làm rõ những điểm sau: Việc thăng tiến có ý nghĩa gì? Liệu bạn có thích làm việc trong môi trường sáng tạo hay không? Bạn có thích quản lý một nhóm lớn? Rất nhiều người trong số họ không muốn phải quản lý cả một nhóm người, nhưng họ cảm thấy phải làm vậy mới có thể phát triển sự nghiệp. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ những động lực và kỹ năng của bản thân, sau đó liên hệ những yếu tố này với những gì doanh nghiệp cần.”

3. Không cần có địa vị long trọng mới có thể dẫn đầu

“Tôi cũng không ngại bỏ qua cái tôi và sự khách sáo để giúp đỡ mọi người trong các công việc không thuộc phạm trù của tôi. Thật lạ vì nhiều người cứ nghĩ cần phải có vai trò, địa vị chính thức để lãnh đạo, nhưng tôi tin rằng các nhà lãnh đạo và CEO tài ba nhất đều không cần đến điều này. Họ chỉ cần có được sự tin tưởng của mọi người, cùng khả năng truyền cảm hứng và tiếp sức cho người khác. 

Khi sự nghiệp còn non trẻ và không có quá nhiều quyền lực là thời điểm thích hợp để bạn trau dồi kỹ năng lãnh đạo. Hoàn cảnh yêu cầu bạn phải gây được ảnh hưởng, cũng như phát triển mối quan hệ với những người xung quanh đến khi họ chịu lắng nghe những gì bạn nói, cho dù đề xuất ý tưởng không phải là trọng trách của bạn.

Ví dụ, nếu bạn thuộc phòng ban marketing nhưng có hứng thú về mảng phát triển sản phẩm, hãy thử tìm cách để hỗ trợ cho quản lý bộ phận đó. Cá nhân tôi đã từng vô thức làm điều này rất nhiều lần. Dù mục đích của tôi khi đó chỉ là để học hỏi, cuối cùng tôi lại trở thành một người đáng tin cậy, đồng thời rèn luyện được kỹ năng lãnh đạo.”

4. Bạn vừa phải làm tốt ở vị trí hiện tại và cả vai trò mình mong muốn trong tương lai

“Nếu bạn muốn đảm đương thêm một vai trò mới, trước tiên hãy đảm bảo được năng suất làm việc hiện tại của mình. Nhờ đó, bạn mới tạo dựng được uy tín với mọi người, đồng thời mở ra các cơ hội để bạn nắm giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều tình huống. 

Khi mới trở thành CEO của Vimeo, tôi bỗng dưng trở thành “sếp” của những người đồng trang lứa với mình. Nếu không tạo được danh tiếng trong nội bộ là một người luôn làm tốt công việc của mình thì tôi ắt đã thất bại khi chuyển sang vị trí CEO mới.”

5. Đưa ra phản hồi hiệu quả là một phần quan trọng của việc lãnh đạo

“Lãnh đạo là truyền cảm hứng cho mọi người làm tốt nhất có thể, đồng thời thúc đẩy để tạo ra kết quả tích cực. Đây là hai kỹ năng quan trọng bạn cần phát triển. Những ai thật sự mong muốn đồng đội của mình phát triển sẽ đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng. Bên cạnh đó, luyện tập đưa ra phản hồi sẽ giúp bạn phát hiện ra điểm mạnh của những người xung quanh. 

6. Nếu đã vươn lên vị trí lãnh đạo, hãy sẵn sàng để chuyển từ “người hành động” sang “người hỗ trợ”

“Tôi nhận ra rằng những kỹ năng đưa tôi lên vị trí CEO lại khác với những kỹ năng giúp tôi đảm đương tốt vị trí đó. Từ một ‘người hành động’ - người nắm rõ mọi chi tiết, biết rõ từng cá nhân cũng như đầu việc cụ thể, tôi phải trở thành một ‘người hỗ trợ’ - người vạch ra phương hướng, đặt mục tiêu rõ ràng và điều động nguồn lực để hỗ trợ và truyền động lực cho mọi người. 

Đây là một lối tư duy rất khác và cần thời gian để học hỏi. Đúng là có những lúc, với cương vị một CEO, một nhà lãnh đạo, bạn cần nắm rõ những chi tiết quan trọng, nên đây vẫn là một kỹ năng giúp tôi có được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải thay đổi tư duy của mình cho phù hợp với vị trí mới. 

7. Hãy bầu bạn với những người xuất chúng - kể cả khi họ không đồng quan điểm với bạn

“Để có thể hỗ trợ người khác, bạn cần tin tưởng ở họ. Bạn cần học cách đặt niềm tin, cũng như xây dựng mối quan hệ với những người xuất chúng: họ có thể giỏi hơn bạn, không phải lúc nào cũng tán đồng quan điểm của bạn, và còn mang lại những trải nghiệm đầy thử thách cho bạn. Tuy nhiên, chiêu mộ người tài là điều đúng đắn, có lợi cho doanh nghiệp và cũng là vì bạn sẽ không thể tiến xa nếu không biết cách truyền động lực cho cấp dưới.”

8. Truyền đạt đơn giản là cách giúp mọi người nắm ý chính

“Chìa khóa giúp mọi người hành động theo kế hoạch chính là sự tinh gọn. Hãy tóm gọn lại những điều cần làm theo hướng dễ tiếp thu nhưng vẫn giữ được ý chính. Một khi đã tìm ra một thông điệp dễ hiểu, hãy cứ lặp đi lặp lại thông điệp ấy. 

Tại Vimeo, tôi bắt đầu các cuộc họp bằng cách điểm lại chiến lược, sứ mệnh, tầm nhìn, ưu tiên của công ty và những mục tiêu cần đạt trong 6 tháng tới. Sau đó, tôi xem những giải pháp nào là hiệu quả và giải pháp nào thì không. Đây là phần sườn tôi áp dụng cho mọi cuộc họp, và nó dần trở thành ngôn ngữ giao tiếp trong công ty. Ngoài ra, các tài liệu và biên bản đóng vai trò rất quan trọng, giúp tập hợp thông tin vào một nguồn mọi người có thể truy cập và sử dụng. 

9. Quyền lực càng cao, trách nhiệm và yêu cầu minh bạch càng lớn

 “Khi trở thành giám đốc điều hành, tôi nhận ra mọi người bắt đầu ít trung thực hơn với tôi về những điểm tôi chưa làm tốt hoặc những quan điểm trái chiều. Do đó, bạn cần tạo điều kiện và môi trường để mọi người dám phê bình khi bạn phạm lỗi. Đây là trách nhiệm của một người lãnh đạo, vì bạn sẽ không thể nắm bắt hết mọi thông tin.

Đặc biệt, khi công ty phát triển lớn mạnh, sẽ còn có nhiều hơn những rào cản ngăn bạn tiếp cận với thực tế những gì đang diễn ra. Cho đến lúc vấn đề truyền được tới tai bạn thì mọi việc đã quá muộn, hậu quả đã quá nặng nề. 

Tôi luôn suy nghĩ làm sao để tạo ra một môi trường làm việc nơi mọi người sẽ không ngại ngần chỉ rõ điểm sai của tôi, cho dù cấp bậc hay vị trí của họ có là gì đi nữa. Đồng thời, tôi cũng đang tìm ra những cơ chế phản hồi và các quy trình mới giúp loại bỏ các điểm mù và tạo sự minh bạch.”

Quỳnh Hoa