|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sếp Grab Việt Nam hiến kế sống chung với dịch: Nên học tập các nước khác coi shipper như lực lượng tuyến đầu

07:23 | 29/09/2021
Chia sẻ
"Tại nhiều quốc gia trên thế giới, lực lượng shipper được coi như những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chúng ta cũng nên học hỏi và nhìn nhận vấn đề đấy", lãnh đạo Grab Việt Nam chia sẻ.

Tại buổi Tọa đàm cấp cao với chủ đề: "Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới", bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam đã có những chia sẻ về giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 liên quan tới vấn đề logistics.

"Grab là hệ sinh thái thương mại điện tử cho phép người dùng có thể tiếp cận nhiều dịch vụ thiết yếu hàng ngày qua một ứng dụng duy nhất. Trên nền tảng Grab, ngoài dịch vụ vận chuyển, công ty cũng đang kết nối để người dùng tiếp cận các dịch vụ khác như giao nhận logistics, đi chợ, gọi đồ mang về,…", CEO Grab Việt Nam cho biết.

Trong thời gian qua, Grab cùng nhiều đơn vị vận chuyển khác đã cùng các cấp chính quyền tham gia cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 trên các tỉnh/thành phố.

Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn và quan sát của Grab, bà Nguyễn Thái Hải Vân đã đưa ra một số đề xuất để giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.

'Nữ tướng' Grab Việt Nam kỳ vọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khuyên nên học tập các nước trong việc coi shipper như lực lượng tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, CEO Grab Việt Nam. (Ảnh: Grab).

Sử dụng nền tảng Grab để 'đi chợ hộ'

"Theo những quan sát trong thời gian qua, chúng tôi rất mong mỏi về đề xuất nên đẩy mạnh hợp tác công tư giữa chính phủ và doanh nghiệp, qua đó vận dụng nền tảng kỹ thuật – công nghệ để vừa phục vụ công tác chống dịch, vừa đẩy mạnh hoạt động kinh tế số", bà Vân cho biết.

TP Hà Nội và TP HCM là những nơi chứng kiến đại dịch COVID-19 bùng phát trong vài tháng qua, đặc biệt là tại TP HCM, tâm dịch của cả nước trong đợt bùng phát lần này.

Những địa phương này phải đối mặt với nhiều thử thách để duy trì chuỗi cung ứng. Theo bà Vân, nếu có thể đẩy nhanh hợp tác công tư, đưa vào vận hành sớm với quy mô rộng hơn sẽ hỗ trợ nhiều cho công tác chống dịch và thúc đẩy nền kinh tế.

Ví dụ, phía Grab đã đề xuất để đưa nền tảng công nghệ cho TP HCM sử dụng trong công tác đi chợ hộ và đón nhận một số kết quả tốt tại TP Thủ Đức.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nếu những hộ kinh doanh nhỏ lẻ và doanh nghiệp siêu nhỏ không có cơ hội để đuổi kịp, tham gia các hoạt động kinh tế số như mở gian hàng online, lên sàn thương mại điện tử,… thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn để quay lại công việc kinh doanh như trước khi đại dịch bùng phát, bà Vân nhận định.

"Chính vì vậy, đẩy mạnh các hợp tác công tư giống như đòn bẩy, giúp chúng ta thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế", CEO Grab nhấn mạnh.

Coi shipper là lực lượng tuyến đầu

Ngoài ra, để vừa duy trì các chuỗi cung ứng, vừa thúc đẩy kinh tế số, vai trò của các shipper là rất quan trọng và cần được nhìn nhận một cách chính xác. Bà Vân cho biết bản thân cảm thấy vui mừng khi shipper bắt đầu được nhìn nhận như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi ứng trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát tại TP Hà Nội cũng như TP HCM.

Bên cạnh đó, các shipper cũng được tiêm phòng vắc xin, tham gia duy trì các hoạt động, góp phần vào công tác phòng, chống COVID-19.

Tuy nhiên, sự nhìn nhận này vẫn còn độ chênh nhất định tùy vào từng địa phương. Chính vì vậy, bà Vân đề xuất rằng trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần có cái nhìn nhất quán hơn để cho ra những quy định quản lý hành chính cũng như chính sách phù hợp cho lực lượng shipper hoạt động một cách thông suốt.

"Tại nhiều quốc gia trên thế giới, lực lượng shipper được coi như những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chúng ta cũng nên học hỏi và nhìn nhận vấn đề đấy", bà Vân chia sẻ.

'Nữ tướng' Grab Việt Nam kỳ vọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khuyên nên học tập các nước trong việc coi shipper như lực lượng tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Bà Vân tin rằng shipper là mắt xích quan trọng trong việc duy trì chuỗi cung ứng trong mùa dịch. (Ảnh: Vietnamnet).

Thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt

Về chính sách dài hạn, riêng với việc thúc đẩy nền kinh tế thương mại điện tử, bà Vân chia sẻ cần phải làm việc để giúp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể tham gia nhanh nhất. "Họ là huyết mạch, đi len lỏi vào những nơi rất sâu, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng Việt Nam".

Tỷ trọng đóng góp của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam cao hơn bình quân của các nước phát triển hơn hoặc các nước trong khu vực. Nếu bỏ lỡ những đơn vị này, nền kinh tế có thể bở lỡ nhiều cơ hội.

Ngoài ra, đi cùng với kinh tế số còn có thanh toán không dùng tiền mặt (ví điện tử, MobileBanking, Internet Banking,…). Theo bà Vân, có tới 45% người dùng Grab trong năm qua không sử dụng tiền mặt.

Tháng 8/2020, số người lần đầu tiên tiếp cận với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng dịch vụ đi siêu thị online của Grab tăng gần 30%, qua đó nâng tổng mức giao dịch không dùng tiền mặt so với tháng trước đó tăng gần 150%.

Đây là đòn bẩy lớn, đặc biệt trong điều kiện tất cả muốn sống trong trạng thái an toàn khi phải sống chung với đại dịch. Do đó, bà Vân mong muốn có những chính sách hỗ trợ đẩy mạnh dịch vụ này bởi đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn.

Quốc Anh