Sáng tạo với nghề làm đồ da
Sáng tạo không chỉ là startup | |
10 cách để sử dụng tư duy sáng tạo tại nơi làm việc |
Chị Hà Linh trao đổi kinh nghiệm gia công sản phẩm với đồng nghiệp tại xưởng |
Thế giới thu nhỏ
Đam mê với nghề làm đồ da, chị Hà Linh, 48 tuổi, ở Chương Dương Độ - Hà Nội đã tạo lập cho mình một cuộc sống ổn định và khá thoải mái. Đến với nghề đã được khoảng 20 năm, chị Hà Linh có bước đầu khởi nghiệp, làm về in ấn, chế bản, quảng cáo, trong đó có những khách hàng đặt làm sổ bọc da, thời điểm đó những sản phẩm này hầu như chưa có ai làm nên phải nhập từ nước ngoài với giá thành rất cao.
Từ đây, chị Hà Linh đã chú ý tìm hiểu những tài liệu nước ngoài, sang Trung Quốc để học hỏi về nghề làm da. Chị tìm những quyển sách bọc da cũ mang về, gỡ bìa ra xem họ khâu, dán như thế nào để tìm hiểu, học tập cách làm, tự thực hành, làm đi làm lại cho đến khi cảm thấy thực sự ưng ý, từ đó tự đúc rút những kinh nghiệm nghề nghiệp cho chính mình.
Ngày đó, ở Việt Nam, có lẽ chỉ có một mình chị Hà Linh làm sổ bọc da. Cầu lớn hơn cung, các sản phẩm làm ra nhận được sự tín nhiệm của nhiều khách hàng… Dần dần một số doanh nghiệp, hãng nước ngoài đã tìm đến để đặt hàng những sản phẩm handmade theo mẫu như: Túi xách, ví, hộp đựng bút, hộp “card visit”, các loại sản phẩm đồ da làm quà tặng, quảng cáo… Cho đến nay, chị Hà Linh đã tạo dựng được 2 xưởng chuyên làm đồ da với nhiều sản phẩm độc đáo và phong phú.
Nói về nghề làm đồ da, chị Hà Linh cho biết: Nghề da giống như một thế giới thu nhỏ, rất thú vị nhưng phải rất đam mê mới có thể theo nghề được. Chỉ nói riêng về công cụ gia công đồ da đã có tới hàng nghìn loại khác nhau. Tùy theo yêu cầu của sản phẩm người thợ sẽ sử dụng các loại đục cho hình dạng lỗ tròn, xiên, khoảng cách đục cũng khác nhau, 3mm, 3,75mm hay 4mm… theo thiết kế ban đầu. Mỗi một sản phẩm gần như được sử dụng một loại công cụ riêng để tạo nên sự khác biệt, cũng giống như kìm, búa, đục, nhưng những công cụ để làm đồ da tinh xảo hơn rất nhiều.
Hộp da đựng rượu vang, một trong những sản phẩm tâm đắc của chị Hà Linh
Sự khác biệt từ kỹ năng nghề
Da là nguyên liệu sản xuất chủ yếu, nhưng lại chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá thành sản phẩm, chính vì vậy, công cụ để làm và công làm, sự sáng tạo về kiểu dáng, mẫu mã và cả những kỹ thuật thủ công riêng biệt mới là yếu tố then chốt để đem lại giá trị gia tăng của sản phẩm. Cũng theo chị Hà Linh, tại Việt Nam khách hàng hầu như mới chỉ quan tâm là da giả hay da thật, thế nhưng để sản phẩm thực sự có đẳng cấp, người làm đồ da cần rất chú ý đến việc tìm mua và nhuộm những tấm da đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Quá trình nhuộm da giống như họa sĩ, cần phải phối màu sao cho tạo được chiều sâu của tấm da.
“Nhiều dụng cụ làm đồ da ở Việt Nam không làm được mà phải mua về từ nước ngoài với giá rất đắt; có những cái đục chuyên dụng có giá tới vài triệu đồng. vì thế cũng phải là người có điều kiện kinh tế một chút mới theo được” - chị Hà Linh chia sẻ. |
Thay vì may bằng máy, nghề da thủ công phải đục từng lỗ, tính toán cho sản phẩm đến từng “chân chỉ”. Chẳng hạn như khâu một cái ví theo yêu cầu của khách hàng phải tính cả khoảng cách, về kỹ thuật phải là bao nhiêu mũi khâu cho hợp với tuổi của khách đặt hàng... Người thợ ngồi khâu, tâm trí phải tập trung hoàn toàn vào sản phẩm, khâu 2 đường chỉ, khi rút chỉ hai tay phải đều nhau, nếu không mũi chỉ sẽ bị mũi căng, mũi chùng, sản phẩm sẽ không đẹp… Cùng một chiếc ví da được làm thủ công, nhưng nó luôn có sự khác biệt rất lớn, bởi sự chênh lệch về trình độ kỹ năng nghề, cách xử lý những công đoạn. Sự khác biệt là giá trị của cùng một sản phẩm của xưởng này chỉ 5-6 trăm nghìn đồng, nhưng cũng là sản phẩm đó của xưởng khác lại có giá tới vài triệu đồng. Tuy nhiên, với những người trong nghề thì hầu hết đều cho rằng sự chênh lệch về giá là hoàn toàn xứng đáng.