Lợi và hại của mô hình kinh doanh sáng tạo và mô hình theo trào lưu
Sản phẩm theo trào lưu
Kinh doanh theo trào lưu là tung ra sản phẩm mà nhiều người cần, quan tâm. Điều này giúp tiết kiệm chi phí quảng bá do người mua sẽ tự tìm tới sản phẩm.
Đương nhiên, nhiều nhà kinh doanh sẽ chú ý tới miếng mồi béo bở. Họ đổ xô bán hàng theo trào lưu, dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu. Hơn nữa, trào lưu chỉ tồn tại một thời gian để nhường chỗ cho trào lưu mới.
Vào năm 2016, mỳ cay Hàn Quốc là xu hướng tiêu dùng bùng nổ trong giới trẻ. Những cửa hàng mì cay nhiều cấp độ mọc lên như “nấm sau mưa”. Hàng loạt bức ảnh trên mạng xã hội miêu tả dãy người xếp hàng trước quán mỳ cay. Nhưng chỉ một thời gian sau, các cửa hàng lần lượt biến mất vì không còn nhu cầu thị trường.
Lý Kim Yến – người sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Kim - nhận định kinh doanh theo trào lưu khó tồn tại lâu dài nếu người đứng đầu không biết làm mới sản phẩm, dịch vụ. Rủi ro có thể xảy ra nếu doanh nghiệp thiếu ý tưởng phát triển, nguồn vốn đầu tư. Người kinh doanh cần nghiên cứu kỹ thị trường, lập kế hoạch dài hơi, dự trù vốn và liên tục đưa ra chiến dịch quảng bá phù hợp cho từng thời điểm.
Lý Kim Yến – người sáng lập & giám đốc điều hành Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Kim. |
Sản phẩm đã có trên thị trường
Hiện nay, thị trường ẩm thực, làm đẹp, thời trang, hàng tiêu dùng phát triển nhanh chóng. Chúng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ khi bắt đầu kinh doanh do sẵn có nhu cầu thị trường, rủi ro thấp.
Mặc dù vậy, tỷ lệ cạnh tranh của những ngành này rất cao. Vì sản phẩm không khác biệt nên người kinh doanh khó mở rộng quy mô công ty. Họ chỉ chiếm thị phần nhỏ, còn thị trường lớn nằm trong tay những công ty, tập đoàn có lợi thế mẫu mã, giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Phạm Ngọc, cô chủ thương hiệu nail Le Flamant lựa chọn kinh doanh dịch vụ phổ biến trên thị trường. Cô từng nghĩ rằng, lĩnh vực làm đẹp rất tiềm năng, dễ làm vì nhu cầu thị trường cao. Nhưng kinh doanh không đơn giản. Ngọc gặp khó khăn vì không thể cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu khác.
“Sản phẩm đã có trên thị trường là phương án kinh doanh an toàn. Bởi vậy, không chỉ tôi mà rất nhiều người đã, đang và sẽ lựa chọn mặt hàng đó. Những người kinh doanh nhỏ lẻ có thể sống nhờ bán sản phẩm. Nhưng muốn phát triển lớn, thương hiệu phải có sự khác biệt”, Ngọc nói.
Phạm Ngọc - người sáng lập thương hiệu Le Flamant. |
Theo Nguyễn Xuân Đạo – giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ BigHand - bán mặt hàng phổ biến rất khả thi khi người kinh doanh biết gia tăng tính cạnh tranh. Họ nên chọn dịch vụ có nhu cầu thị trường cao, người tiêu dùng dễ quyết định mua. Nếu sản phẩm không kén người mua thì cơ hội họ bán được hàng sẽ tăng lên. Đặc biệt, người kinh doanh cần tạo điểm nhấn cho thương hiệu bằng dịch vụ khuyến mãi, chăm sóc khách hàng và chính sách bán hàng trực tuyến rõ ràng. “Hãy bán sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất”, Đạo nhấn mạnh.
Đột phá với sản phẩm khác biệt
Tạo ra sản phẩm mới lạ là đỉnh cao trong kinh doanh. Lựa chọn này có thể mang lại lợi nhuận tốt, đưa doanh nghiệp tiến nhanh, nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức, rủi ro.
“Lựa chọn sản phẩm mới là quyết định tự tạo ra nhu cầu thị trường. Người kinh doanh sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn vì dịch vụ có thể không phù hợp khách hàng ngay cả khi sản phẩm thực sự độc đáo. Để giảm thiểu nguy cơ thất bại, họ nên sáng tạo trên lĩnh vực sẵn có nhu cầu thị trường.”, Nguyễn Việt Tiến – người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty Umiha Việt Nam - bình luận.
Nguyễn Việt Tiến – giám đốc Công ty Umiha Việt Nam. |
Phạm Ngọc chia sẻ rằng, chị ủng hộ những bạn trẻ dám dấn thân vào lĩnh vực mới, tạo ra sản phẩm độc đáo. “Làm ăn cả, ngã về không. Các bạn trẻ dám theo đuổi đam mê, khát vọng thì thành công sẽ đuổi theo họ”, Ngọc nói.
Nữ doanh nhân Lý Kim Yến nhận định, sản phẩm nào cũng khả thi nếu người kinh doanh có chiến lược tốt. Mặt hàng phổ biến thì chúng ta nên đẩy mạnh dịch vụ, còn sản phẩm mới thì chúng ta cần chú trọng truyền thông và phục vụ đối tượng nhất định.
"Tôi khuyên các bạn trẻ nên bắt đầu khởi nghiệp bằng một sản phẩm họ yêu thích. Bởi, sự đam mê sẽ khiến họ bán hàng với cái tâm nhiều hơn, có động lực phát triển sản phẩm. Có như vậy, doanh nghiệp mới bền vững", Yến nhận xét.
Xem thêm |