|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản xuất tôm ở hàng loạt nước gặp khó khăn và cơ hội cho Việt Nam

18:09 | 14/05/2020
Chia sẻ
Ngành tôm Việt Nam đang được cho là đứng trước cơ hội lớn sau dịch COVID-19 được kiểm soát trên thế giới, trong khi nguồn cung tôm ở các nước giảm do chịu tác động của dịch bệnh.

Nguồn cung các nước lớn dự báo giảm mạnh

Trao đổi với người viết TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sao Ta Việt Nam, hiện nay COVID-19 đang tác động trên thế giới khiến hệ thống nhà hàng cơ sở du lịch còn đóng cửa. 

Điều này dẫn đến nhu cầu tôm giá trị cao giảm mạnh nhưng tổng cầu chung giảm nhẹ do các hộ gia đình có xu hướng tiêu thụ tôm cỡ nhỏ nhiều hơn, bù đặp với sụt giảm đối với các loại tôm khác.

Theo đó, nguồn cung của các nước nuôi tôm lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hoặc bệnh trên tôm.

Theo VASEP, dịch COVID-19 đã làm toàn bộ chuỗi sản xuất tôm tại các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Ecuador phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Người nuôi tôm Ấn Độ gặp khó khăn do Chính phủ nước này áp lệnh phong tỏa cả nước từ 23/3 đến 3/5. 

Tại bang Andhra Pradesh, bang sản xuất tôm lớn nhất Ấn Độ, hoạt động nuôi tôm bị đe dọa bởi dịch COVID-19 do hiện là cao điểm của mùa thu hoạch. Nhiều nhà chế biến đang hoạt động trong tình trạng thiếu nhân công.

Hơn 50% nhân công tại các nhà máy chế biến của Andhra Pradesh là người từ các bang khác nên họ phải về gia đình khi lệnh phong tỏa có hiệu lực và rất khó để quay lại làm việc tại các nhà máy do lệnh hạn chế đi lại của chính quyền địa phương.

Người nuôi không bán được tôm. Mặc dù chính quyền bang đứng về phía người nuôi đe dọa sẽ rút giấy phép hoạt động của các nhà chế biến nếu họ không hoạt động trở lại. 

Đến thời điểm giữa tháng 4/2020, phần lớn các lô hàng đã xuất từ đầu tháng 3 trước khi lệnh phong tỏa diễn ta vẫn bị mắc kẹt trên biển hoặc tại cảng đến.

Ngành tôm Ecuador đang phải hoạt động chỉ với 50% công suất trong bối cảnh COVID-19 vì số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng ở nước này.

Sản xuất tôm tại nước này bị ảnh hưởng nặng nề do các công ty chế biến chủ yếu nằm ở Guayaquil, thuộc tỉnh Guayas- đây cũng là tâm dịch COVID-19 ở Ecuador. Một số công ty có nguy cơ phải đóng cửa nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện. 

Một số nhà máy chế biến không mua thêm nguyên liệu vì không có nhân công làm việc tại các nhà máy do lệnh phong tỏa. Trong khi ngành tôm nước này không nhận được hỗ trợ gì từ phía Chính phủ.

Nguồn cung tại Việt Nam có thể giảm 10%

Người nuôi tôm Việt Nam đối diện với khó khăn là dịch bệnh. Bệnh từ năm ngoái đến giờ ảnh hưởng quá nhiều đến sản lượng. Đây cũng là lí do cuối năm ngoái Việt Nam giảm chỉ tiêu xuất khẩu tôm.

Sản xuất tôm ở hàng loạt nước gặp khó khăn và cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sài Gòn Giải Phóng

"Theo phản ánh của các doanh nghiệp, dự kiến năm nay sản lượng tôm sẽ giảm khoảng 10% do người dân lo ngại dịch bệnh kèm theo thời tiết không thuận lợi, nên không dám thả nuôi", ông Lực nói.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi tiếp tục thả nuôi, doanh nghiệp, người dân tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến. 

Đối với tôm nuôi đến kì thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dày, tôm cỡ nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí sản xuất...

Bộ Công Thương cho biết các công ty kinh doanh tôm hàng đầu Việt Nam lo ngại có thể xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm 2020 do người dân trì hoãn việc thả giống vì lo sợ đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới xuất khẩu. 

Tại Sóc Trăng, tỉnh có năng suất nuôi tôm cao nhất Việt Nam, tính đến nay thả giống được 6.000 ha, chỉ chiếm 24% tổng diện tích 25.000 ha.

Giá tôm sẽ dần cải thiện do cung giảm hơn cầu

Ông Lực cho rằng kịch bản giá tôm năm 2020 sẽ vẫn tốt do nguồn cung sụt giảm mạnh hơn nhu cầu.

Sau một thời gian sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, từ đầu tháng 4/2020, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đang dần tăng trở lại. Việc giá tôm nhích lên mở ra kỳ vọng thuận lợi cho sản xuất vụ tôm mới.

Theo số liệu từ VASEP, cuối tháng 4, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 95.000 - 100.000 đồng, so với cách đây 3 tháng, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 30 con/kg có giá từ 200.000 - 230.000 đồng, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Giá tôm chân trắng tại Bạc Liêu hiện tăng hơn trước 20.000 đồng/kg (đối với loại nhỏ). Cụ thể, tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá 90.000 đồng/kg đối với nuôi ao lót bạt; tôm nuôi ao đất giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg.

Các loại tôm chân trắng cỡ lớn tăng nhẹ so với trước: loại 70 con/kg có giá 110.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá từ 120.000 - 125.000 đồng/kg.

Theo VASEP, thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn như nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn có.

Nguyên nhân là tôm là thực phẩm thiết yếu, việc kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hi vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ.

Tăng tốc để tận dụng cơ hội

Nhìn vào khía cạnh tích cực hơn, việc nguồn cung tôm giảm sẽ tác động tốt đối với giá tôm trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp diễn ra cuối tuần trước, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí VASEP kì vọng xuất khẩu tôm năm nay đạt 3,8 tỉ tăng 15% so với 2019 để bù đắp phần sụt giảm của cá tra chỉ có thể đạt 1,6 tỉ USD

Ông Hòe kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hỗ trợ tối đa cho người nông dân nuôi tôm để thực hiện ngay từ tháng 5 thả lại tôm bắt kịp tháng 7,8 khi thị trường và thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ trong khi một số nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

Trên thực tế, một số thị trường lớn nhập khẩu tôm Việt Nam cho thấy những tín hiệu tích cực theo.

Chẳng hạn như Mỹ - thị trường đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỉ trọng 18,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Quí I/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019.

VASEP cho biết trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan đang giảm sút do lệnh phong tỏa quốc gia, khách hàng Mỹ quay sang mua tôm Việt Nam.

Nhằm tận dụng cơ hội thời gian tới, sau khi thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh và nguồn cung thế giới bị thiếu hụt, ông Lực cho biết bản thân Sao Ta cũng đang cố gắng tăng diện tích nuôi để cố gắng chủ động nguồn nguyên liệu.

"Doanh số bán hàng các tháng có thể trồi sụt so với năm ngoái nhưng tính chung năm 2020, tôi kì vọng doanh số của Sao Ta ít nhất bằng hoặc cao hơn năm ngoái", ông Lực nói.

Trong báo cáo thường niên được công bố mới đây, Sao Ta đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ năm 2020 đạt 176 triệu USD, tăng 10% so với thực hiện năm 2019; lợi nhận trước thuế tăng 5%, ước khoảng 240 - 250 tỉ đồng.

Trong quí I, lũy kế ba tháng đầu năm, lãi trước thuế và lãi sau thuế của Sao Ta lần lượt đạt 41 tỉ đồng và 40 tỉ đồng, tương đương so với cùng kì năm trước.






H.Mĩ