|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm cỡ lớn bị thất sủng có thực sự đáng lo?

09:42 | 12/05/2020
Chia sẻ
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) có xu hướng tôm cỡ lớn tiêu thụ chậm nhưng không quá nổi trội. Điều đáng lo ngại hơn là nguồn cung hiện nay đang bị thiếu hụt do tâm lí e ngại dịch bệnh của người nuôi.

Xu hướng giảm tiêu thụ tôm cỡ lớn không quá nổi trội

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Việt Úc, cho biết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hiện nguồn tôm cỡ nhỏ đang thiếu hụt khi các dịch vụ nhà hàng, khách sạn ngưng hoạt động khiến nhu cầu tôm cỡ lớn giảm mạnh.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến hoạt động sản xuất tôm ở trong nước sụt giảm vì cho rằng thị trường hạn chế tiêu thụ tôm.

Theo chia sẻ từ ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ tôm kích cỡ nhỏ, từ 60 - 150 con/kg, nhất là tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, liệu rằng đây có phải là một xu hướng mới lâu dài hay chỉ là tạm thời và người nông dân có nên chuyển sang ưu tiên sản xuất tôm cỡ nhỏ.

Trao đổi với người viết, TS. Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta Việt Nam (Mã: FMC), cho biết hiện nay có hiện tượng tôm cỡ lớn tiêu thụ chậm nhưng đây không phải xu thế nổi trội trên thị trường ở trên thị trường hiện tại. 

Ông Lực phân tích cần phân biệt tôm cỡ lớn ở hai loại là tôm sú và tôm thẻ. Đối với tôm sú thường là cỡ lớn (khoảng 20 con/kg), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều loại tôm này của Việt Nam.

"Giới thượng lưu, các nhà hàng tại Trung Quốc rất thích tôm sú cỡ lớn của Việt Nam và thị trường này mua tỉ lệ rất cao trong tổng số tôm lớn ở Việt Nam", theo ông Lực.

Tuy nhiên, thời gian qua do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 các hệ thống nhà hàng đóng dẫn đến nhu cầu giảm và doanh nghiệp buộc phải bán ở thị trường khác với giá thấp hơn nhưng không xảy ra tình trạng dư cung.

Đối với tôm thẻ, ông Lực cho biết cỡ nào cũng bán được. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thu nhập giảm sút nên người tiêu dùng lựa chọn cỡ tôm nhỏ nhiều hơn một chút so với trước đây nhưng xu hướng chuyển dịch này không quá mạnh.

"Tôm cỡ nào cũng bán được hết nhưng cỡ nhỏ bán nhanh hơn chứ thật ra không có tồn ứ tôm. Ai ứ chỉ là cá biệt chứ không phải tình trạng chung. Vừa qua chưa vào vụ, sản lượng tôm ở các ao chưa đáp ứng được công suất của càc nhà máy.

Do đó, nhà máy đa phần bán được hàng chỉ trừ tình huống hơi đặc biệt là doanh nghiệp nào đón thời cơ Trung Quốc tiêu thụ trở lại thì họ trữ kho", ông Lực chia sẻ.

Chủ tịch Sao Ta cho rằng người nuôi không nên thu tôm khi còn nhỏ để bán trong thời điểm hiện tại mà cần tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn. "Người nuôi thường để tôm càng tốt để nâng cao hiệu quả. Người ta chỉ thu tôm nhỏ khi có sự cố hoặc nuôi quá dầy chứ bình thường không ai thu tôm nhỏ", ông nói thêm.

Bản thân VASEP trước đó hồi cuối tháng 4 cũng đã từng khuyến cáo người nuôi nếu tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ trong bối cảnh dịch COVID-19 được dự báo sẽ còn kéo dài.

Tình trạng này cũng được ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí VASEP, nêu ra tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp diễn ra vào ngày 9/5. 

Ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách lựa chọn mỗi địa phương một doanh nghiệp phù hợp để mở rộng hạn mức tín dụng cho vay nhằm đẩy mạnh việc tích trữ.

Giá tôm giảm nhẹ

Do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ giảm nên giá tôm cũng chịu tác áp lực.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tuần kết thúc ngày 23/4, giá tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau ổn định so với tuần trước đó, nhưng giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần kết thúc ngày 2/4; giá tôm thẻ chân trắng giảm 3.000 – 6.000 đồng/kg. 

Tôm cỡ lớn bị thất sủng? - Ảnh 1.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Một mối lo khác lớn hơn: Thiếu nguyên liệu

Bên cạnh xu hướng chuyển dịch trong nhu cầu tiêu thụ tôm, một vấn đề cũng hết sức cấp thiết được đặt ra là nguy cơ thiếu nguyên liệu.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết các công ty kinh doanh tôm hàng đầu Việt Nam lo ngại có thể xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm 2020 do người dân trì hoãn việc thả giống vì lo sợ đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới xuất khẩu. 

Tại Sóc Trăng, tỉnh có năng suất nuôi tôm cao nhất Việt Nam, tính đến nay thả giống được 6.000 ha, chỉ chiếm 24% tổng diện tích 25.000 ha.

Đối với việc nhập khẩu tôm cho chế biến, VASEP cho biết các đơn hàng bị giảm, công suất kho lạnh trữ hàng hạn chế nên hầu hết ngưng nhập khẩu tôm.

VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ hỗ trợ cho Bộ NN&PTNT đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020.

Theo VASEP đây là thời điểm chúng ta có cơ hội lớn về thị trường. Theo đó, thị trường thế giới phục hồi, tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước sản xuất cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

H.Mĩ