|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng đất hiếm của Trung Quốc tăng vọt, đe dọa nỗ lực mới bắt đầu của Mỹ, Australia

11:32 | 26/11/2019
Chia sẻ
Việc sản lượng đất hiếm tại Trung Quốc tăng vọt đang đặt ra một thách thức mới đối với những nỗ lực vừa bắt đầu của Mỹ cùng một số quốc gia khác nhằm giảm bớt ưu thế của Trung Quốc đối với nhóm vật liệu quan trọng này.
HDBQVUEEMQI6TNMF4NVRNJJRVI

Mỏ khai thác đất hiếm Mountain Pass (California). (Ảnh: The Washington Post)

Trong tháng 11, Trung Quốc cho biết đã tăng hạn ngạch khai thác hàng năm đối với đất hiếm lên 132.000 tấn, cao hơn 10% so với mức cao kỉ lục năm ngoái.

Theo Bloomberg, động thái này có thể tác động đến giá đất hiếm trên toàn cầu, giáng một đòn mạnh vào các đối thủ như Mỹ và Australia, khi mà hai nước này vừa nhất trí đẩy nhanh các dự án mới nhằm thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm vào tuần trước.

Trung Quốc khai thác khoảng 70% đất hiếm trên toàn cầu và kiểm soát 90% thị trường trị giá 4 tỉ USD này. Đất hiếm thường được sử dụng trong nam châm, động cơ và linh kiện điện thoại, turbine gió, xe điện và trang thiết bị quân sự.

Trong khi quan hệ Mỹ và Trung Quốc còn đang căng thẳng vì cuộc chiến thương mại, nhiều chuyên gia lo ngại Bắc Kinh có thể hạn chế doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu loại vật liệu trên.

Thay vào đó, Trung Quốc lại tăng cường khai thác đất hiếm. Điều đó có thể khiến nhiều doanh nghiệp đất hiếm ở những nước khác lâm vào khó khăn tài chính khi đang tìm cách đầu tư vào các dự án mới, ông Ryan Castilloux, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Adamas Intelligence, cho biết.

Tại Mỹ, áp lực trên đặt trực tiếp lên MP Materials, công ty đang điều hành mỏ khai thác đất hiếm duy nhất của Mỹ - Mountain Pass ở California.

1

Các bao tải đất hiếm khai thác được bên ngoài mỏ Mountain Pass. (Ảnh: Bloomberg)

Nằm cách chưa đầy một giờ lái xe từ các sòng bạc ở Las Vegas, Mountain Pass đã bắt đầu kinh doanh trở lại sau khi đình trệ vào năm 2015.

Trong năm nay, MP Materials dự kiến tăng gấp đôi sản lượng lên hơn 30.000 tấn, tương đương khoảng 15% tổng sản lượng toàn cầu.

Hiện tại, đất hiếm do MP Materials khai thác đều phải vận chuyển đến Trung Quốc để xử lí. Tuy nhiên, theo ông James Litisky - CEO của JHL Capital Group (cổ đông chiếm đa số cổ phần của MP Materials) thì đến cuối năm 2020, điều đó có thể thay đổi.

Screenshot (303)

Nguồn: Bloomberg, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS)

MP Materials đang nỗ lực làm việc để mở trung tâm tinh chế riêng để từ đó họ có thể xử lí toàn bộ sản lượng khai thác của mỏ Mountain Pass, ông Litinsky nói. Kế hoạch này sẽ cho phép MP Materials bán đất hiếm trực tiếp đến các nhà sản xuất Mỹ.

"Nếu mọi người chỉ tập trung vào vấn đề nguồn cung ngắn hạn, họ sẽ bỏ lỡ bức tranh lớn hơn", CEO của Capital Group nói. "Hàng chục triệu việc làm và hàng nghìn tỉ USD chảy vào GDP, đó chính là những gì Trung Quốc muốn".

Còn thứ người Mỹ theo đuổi là "một sân chơi bình đẳng", ông Litinsky nói thêm. "Chúng tôi lo ngại Trung Quốc sẽ tác động xấu lên giá thành và nguồn cung".

30 năm trước, chính phủ Trung Quốc đã quyết định biến đất hiếm thành một vật liệu chiến lược và cấm doanh nghiệp nước ngoài khai thác chúng. Là nhà sản xuất đất hiếm và nam châm lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của các hãng sản xuất xe điện như Tesla và Ford Motor.

Tổng thống Trump hồi tháng 7 đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ đẩy nhanh sản xuất hàng loạt nam châm từ đất hiếm để phục vụ cho phần cứng quân sự trong bối cảnh Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu vào bất cứ lúc nào.

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất của Mỹ cũng đã đến thăm các dự án khai thác đất hiếm ở Australia trong năm vừa qua, trong đó có cả dự án Browns Range của công ty Northern Minerals.

Screenshot (304)

Nguồn: Citigroup, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc

Nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất bên ngoài thị trường Trung Quốc - Lynas (đặt trụ sở tại Malaysia) đã tổ chức các cuộc thảo luận với Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Hậu cần Quốc phòng, Bloomberg dẫn thông tin từ công ty này cho hay.

Các cuộc gặp giữa quan chức Mỹ và Australia trong tháng này đã chính thức hóa quan hệ hợp tác giữa hai bên, nhằm mục đích tăng cường cung ứng đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác từ bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Trong một tuyên bố hôm 20/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Australia Matt Canavan cho biết các cơ quan tài chính phụ trách mảng xuất khẩu của hai nước sẽ xem xét một số biện pháp mới để đẩy nhanh các dự án khai thác.

Nhiều nhà khai thác đất hiếm đến từ một loạt quốc gia như Greenland, Ấn Độ,...cũng đang tìm cách phát triển dự án mới nhưng tiến độ không nhanh do hạn chế về vốn và biến động giá.

Bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2013, Lynas - hiện là nhà cung ứng lớn thứ hai thế giới chỉ mới ghi nhận lợi nhuận lần đầu tiên vào năm ngoái.

"Cần phải tài trợ vốn cho các dự án mới" nhằm đa dạng hóa nguồn cung trên toàn cầu, khi mà hiện tại chỉ có Lynas là nhà cung ứng lớn duy nhất bên ngoài thị trường Trung Quốc, nhà phân tích Dylan Kelly của công ty Ord Minnett nhận định.

"Thế giới đang đầy rẫy các dự án khai thác đất hiếm cố vực mình dậy nhưng lại thất bại thảm hại", ông cảm thán.

Khả Nhân