|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sabeco: Ngăn cấm, hạn chế kinh doanh bia là không công bằng

22:15 | 02/08/2018
Chia sẻ
“Nếu chỉ vì những người cố tình lạm dụng lại ban hành ra các quy định ngăn cấm, hạn chế ngành kinh doanh (đồ uống có cồn) đang đem lại cho Ngân sách Nhà nước tới trên 50.000 tỷ đồng mỗi năm; bên cạnh đó còn đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế và nhiều hoạt động xã hội hữu ích khác thì đó là điều không công bằng”, Sabeco nhấn mạnh trong bản góp ý Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
sabeco ngan cam han che kinh doanh bia la khong cong bang

Sabeco: Ngăn cấm, hạn chế kinh doanh bia là không công bằng

Chỉ vì người lạm dụng rượu, bia mà ngăn cấm là không công bằng

Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa có báo cáo gửi Chính phủ góp ý cho Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

“Hiện tại, chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận với đồ uống có cồn, đặc biệt là bia là chưa phù hợp. Do nhìn nhận bia giống như thuốc lá, thậm chí là như “độc dược” nên mới dẫn đến các quy định quá khắt khe như trong Dự thảo luật”, Tổng giám đốc Sabeco Teo Hong Keng mở đầu trong văn bản góp ý.

Theo phía Sabeco, nếu nhìn nhận bia là một loại đồ uống có cồn thì mới đúng với bản chất của nó và phù hợp với cách nhìn của toàn nhân loại. Chỉ khi lạm dụng nó (quá mức chịu đựng của cơ thể) thì mới gây tác hại.

“Và nếu chỉ vì những người cố tình lạm dụng nó lại ban hành ra các quy định ngăn cấm, hạn chế ngành kinh doanh (đồ uống có cồn) đang đem lại cho Ngân sách Nhà nước tới trên 50.000 tỷ đồng mỗi năm; bên cạnh đó còn đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế và nhiều hoạt động xã hội hữu ích khác thì đó là điều không công bằng”, Sabeco nhấn mạnh.

Phía Sabeco cho hay, không thể lấy con số chi phí khắc phục hậu quả của việc lạm dụng rượu bia và từ hậu quả của việc thiếu kiểm soát rượu nấu thủ công – trên 70% rượu thủ công không được kiểm soát, không đăng ký, không nộp thuế (hàng năm lên đến hơn 2.000 tỷ đồng – theo Tờ trình của Bộ Y tế), để kiểm soát, hạn chế đến mức cấm đoán các hoạt động kinh doanh của ngành bia.

Số tiền hơn 2.000 tỷ đồng này có thể đáp ứng được yêu cầu nâng cao sức khỏe nhân dân thay vì phải thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe mà Bộ Y tế đã đề nghị trong Dự thảo luật.

Đề nghị không cấm quảng cáo, khuyến mại bia

Về công tác quản lý nhà nước đối với đồ uống có cồn, Sabeco cho rằng chỉ cần bổ sung một số quy định để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là về quản lý rượu thủ công để giảm sự thất thoát lên đến 2.000 tỷ đồng; hoặc giảm thiểu sự nguy hiểm, ngộ độc rượu; điều này sẽ giảm đáng kể chi phí khắc phục việc lạm dụng.

Nếu thật sự cần thiết phải ban hành Dự thảo luật, Sabeco đề nghị xem xét sửa đổi một số quy định cụ thể.

Thứ nhất, theo Sabeco, nên sử dụng tên gọi “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.

Thứ hai, đối với điều 6, Sabeco đề nghị không cấm người lao động trong các doanh nghiệp không thuộc 100% sở hữu nhà nước sử dụng bia trong thời gian nghỉ giữa ca.

“Vì điều này sẽ gây khó khăn cho những người làm công việc đặc thù trong ngành dịch vụ, du lịch hoặc các đơn vị kinh doanh đồ uống. Điều này cũng là vi phạm về quyền cá nhân trong thời gian nghỉ ngơi, ăn trưa”, Sabeco nêu quan điểm.

Đối với Điều 7, Sabeco đề nghị không cấm khuyến mại bia, vì như vậy vi phạm quy định pháp luật (bia không thuộc mặt hàng cấm khuyến mại).

Đối với Điều 8 – khoản 2 điểm b, Sabeco đề nghị không cấm quảng cáo đối với bia từ 5 độ cồn trở xuống trong các sự kiện văn hóa, thể thao.

“Vì nếu cấm thì như chương trình World Cup 2018, UEFA Champion League, Giải quần vợt Wimbledon… được các nhãn hàng bia tài trợ và quảng cáo thì không thể chiếu tại Việt Nam được nữa sao?”, Sabeco đặt câu hỏi.

Về Điều 8 – khoản 4, công ty bia này đề nghị không quy định lấy độ cồn của nhãn hiệu có nồng độ cồn cao nhất (trong các nhãn hiệu của cùng một nhà sản xuất nếu có nhiều độ cồn khác nhau). Đề nghị áp dụng quy định cho từng loại nhãn hàng, sản phẩm khác nhau.

Về Điều 9 – khoản 2 điểm đ, Sabeco đề nghị không cấm quảng cáo trong hoạt động tài trợ.

“Vì hoạt động tài trợ thì phải được nêu tên, có hình ảnh. Việc cấm này không thể phân biệt được giữa tài trợ và quảng cáo; điều này làm cho doanh nghiệp tài trợ rất dễ vi phạm”, Sabeco đánh giá.

Đối với Điều 10, theo Luật Đầu tư 2014, bia không phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Do vậy, Sabeco đề nghị không đưa các điều kiện hạn chế kinh doanh bia như Dự thảo luật.

Đối với Điều 14 – khoản 4, Sabeco đề nghị không nên áp dụng giờ bán bia.

Sabeco cho rằng quy định này sẽ gây áp lực cho người uống, dễ lạm dụng hơn dẫn đến dễ gây hậu quả nghiêm trong hơn (uống nhiều và cấp tập trước khi hết giờ bán). Đồng thời cũng rất khó kiểm soát được khi mà ở Việt Nam chưa quy định mọi hoạt động bán hàng và thanh toán phải thực hiện bằng máy; hoặc phải mất lực lượng nhân lực phải túc trực kiểm tra, xử lý; nếu không thực hiện được thì người dân lại có suy nghĩ xem thường quy định của luật pháp.

Sabeco cũng đề nghị không thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe, vì vi phạm chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ về hạn chế thành lập các quỹ ngoài ngân sách.

“Chúng tôi cho rằng, chúng ta cần tăng cường hơn nữa các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn thì sẽ có hiệu quả hơn là việc ban hành ra các quy định hạn chế, cấm đoán các hoạt động kinh doanh đối với ngành công nghiệp đồ uống như nội dung của Dự thảo luật”, Sabeco kết lại.

Xem thêm

Thanh Long