|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Reuters: Tập đoàn T&T chính thức đạt thỏa thuận mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V

17:19 | 27/09/2021
Chia sẻ
Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Tập đoàn T&T vừa đạt được thỏa thuận cung cấp vắc xin Sputnik V cho Việt Nam, nguồn kinh phí mua số vắc xin này do Tập đoàn T&T huy động.

Reuters dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Nga, ông Đặng Minh Khôi cho biết, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Tập đoàn T&T đã chính thức đạt thỏa thuận cung cấp vắc xin Sputnik V cho Việt Nam.

Trước đó, ngày 12/7, Chính phủ Việt Nam ra nghị quyết nêu rõ đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế, có văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) để đàm phán mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động (không sử dụng kinh phí nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 Việt Nam).

Reuters: Tập đoàn T&T chính thức đạt thỏa thuận mua 40 triệu liều vắc xin Spunik V - Ảnh 1.

Vắc xin Sputnik V của Nga. (Ảnh: Reuters).

Tại Việt Nam, vắc xin Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 23/3 và là vắc xin duy nhất đã có thành công bước đầu trong việc chuyển giao công nghệ. 

Ngày 24/9, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech)  thông báo chính thức về việc sản xuất thành công lô vắc xin phòng COVID-19 Sputnik V từ bán thành phẩm đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết: "Lô vắc xin này đã được phía Nga phân tích và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn. Với lô vắc xin đầu tiên này sẽ giúp cho người dân Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vắc xin chất lượng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19".

Vắc xin Sputnik V phát triển dựa trên nền tảng véc-tơ adenovirus, được đăng ký đầu tiên trên thế giới, lịch tiêm là hai mũi, khoảng cách giữa hai mũi là 3 tuần.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố trên tạp chí “The Lancet”, vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả lên tới 91,6 %. Riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Phương Trang