Rau quả Việt Nam đang lấn sâu vào thị trường Mỹ và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5 giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt 258 triệu USD, giảm 23% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm, đạt 722 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây cũng là yếu tố chính làm giảm trị giá xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả trong 5 tháng đầu năm bởi trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 51% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.
Dù vậy, một tín hiệu đáng mừng khi cơ cấu chuyển dịch xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khó tính rất rõ nét như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Mỹ chiếm 7,6%, tăng 2,8 điểm % so với cùng kỳ năm 2021; Hàn Quốc chiếm 3,8%, tăng 1,6 điểm % và Nhật Bản chiếm 3,7%, tăng 1,1 điểm %.
Đây đều là các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng rau quả, vì vậy xuất khẩu hàng rau quả được vào các thị trường này, ngành hàng rau quả của Việt Nam có kỳ vọng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác và làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt ở thị trường Mỹ, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam là rất lớn nhờ các yếu tố dân số 330 triệu người, thu nhập đầu người cao, người tiêu dùng Mỹ ngày càng chú trọng tới thành phần rau quả trong bữa ăn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ trái cây lớn với mức tiêu thụ 12 triệu tấn/năm. Sản xuất trái cây tươi tại thị trường nội địa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, còn lại 30% (tương đương 3,6 triệu tấn) là phải nhập khẩu. Do đó, dư địa cho ngành hàng trái cây của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này là rất lớn.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo trái cây của Việt Nam phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn chính là vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; Nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; Sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.