|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Rác' công nghệ, từ xi măng đến nhiệt điện than

07:11 | 28/06/2018
Chia sẻ
Từ chuyển giao công nghệ lỗi thời đến tận dụng lợi thế tài chính để thi công và những đống nợ nghi ngút xung quanh các dự án ở các nước đang phát triển đều được dẫn đến bởi một con đường.

Trong khi có nhiều lo lắng khu vực FDI chậm chuyển giao công nghệ thì một vài lĩnh vực như công nghệ xi măng, công nghệ nhiệt điện than cứ ào ạt “chảy” vào bất chấp những cảnh báo không mấy sáng sủa về môi trường.

Từng xảy ra với xi măng, một ngành công nghiệp quan trọng nhưng sức tàn phá khủng khiếp về môi trường. Đó là công nghệ xi măng lò đứng từ Trung Quốc, ưu thế nổi trội của loại công nghệ này là chỉ bỏ ra 1,5 triệu đô đã có nhà máy, đắt nhất cũng chỉ 3 triệu đô.

Nhưng công nghệ lò đứng chỉ tạo ra 60% xi măng thành phẩm khi nghiền đá, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu nhưng hiệu quả thấp. Ngày nay, ở các tỉnh Miền Trung không hiếm thấy những vùng núi đá vôi bị băm nát.

Những năm 90, mía đường, đánh bắt xa bờ và xi măng lò đứng trở thành 3 chương trình lớn của nhà nước. Trong đóng xi măng thành công rực rỡ bằng công nghệ Trung Quốc.

Hiện nay công nghệ xi măng lò đứng đã tuyệt chủng tại Việt Nam nhưng công nghệ mới hơn vẫn nhập từ Trung Quốc do giá thành rẻ so với công nghệ của Đức, Nhật, Đan Mạch.

Đến nay, Việt Nam vẫn duy trì các nhà máy này và theo các chuyên gia, hậu quả vô cùng nặng nề. Chi phí sản xuất xi măng của Việt Nam rất cao. Trong khi đó, xi măng do Thái Lan sản xuất có giá thành chỉ bằng khoảng 70% giá thành của Việt Nam.

rac cong nghe tu xi mang den nhiet dien than
Nhiều công trình điêu đứng vì phụ thuộc vốn nước ngoài (Hình minh họa)

Ngay từ những năm 1960, thế giới khuyến cáo bỏ các nhà máy xi măng lò đứng vì chúng gây ra tiếng ồn và bụi cực lớn, tác động tai hại tới môi trường trong khi công suất sử dụng, năng suất thấp, phải dùng nhiều lao động.​​​​​​

Sau đại hội lần thứ 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc đã ra “tối hậu thư” cho các nhà máy xi măng của nước này đóng xung quanh các thành phố lớn. Động thái này tạo cú hích lớn để xi măng Việt Nam tăng trưởng kỷ lục thời gian vừa qua!

Sau xi măng là nhiệt điện than, không ai khác ngoài công nghệ của Trung Quốc liên tục tuồn vào nước ta. Ở Bình Thuận và nhiều địa phương khác từng gặp rắc rối với các nhà máy này.

Với 9 nhà máy nhiệt điện trong tương lai gần đến năm 2030, Đồng bằng Sông Cửu Long đối mặt với hàng chục triệu tấn xỉ than không biết đổ đi đâu. Mặc dù nhiệt điện than là những dự án lớn nhưng với chất thải xử lý như thế nào vẫn còn lúng túng.

Thông tin mới nhất, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than tại Nghệ An thông qua liên danh với một doanh nghiệp trong nước. Đáng chú ý 80% vốn do được các ngân hàng nước này cho vay.

Đây có phải là chiến lược kép của Trung Quốc? Một mặt giải quyết bài toán môi trường, vừa “thủ tiêu” công nghệ lạc hậu mà vẫn có thể thu về số tiền không nhỏ.

Nhìn vào những công trình có vốn vay từ Trung Quốc có lý do để lo lắng cho nhiệt điện than, người Trung Quốc đã nói không với loại năng lượng này bằng việc đóng cửa 103 nhà máy.

Trong khi đó quy hoạch điện của Việt Nam “không thể thiếu nhiệt điện”, một sự ăn khớp rất thuận lợi cho hàng trăm nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc chuẩn bị ngưng hoạt động.

Tại sao nhiều công trình do Trung Quốc làm tổng thầu EPC để lại hệ lụy dai dẳng nhưng không thể nói không? Chỉ giản đơn là họ bỏ thầu thấp, công nghệ rẻ, “hoa hồng” cao như dư luận nghi vấn?

Ít ai biết than Việt Nam quá tốt nên… không thể đốt trong nhà máy nhiệt điện. Nhiều năm qua Trung Quốc là thị trường nhập khẩu than lớn nhất của nước ta kể cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, họ bán trở lại than “xấu” cho Việt Nam chạy nhiệt điện bằng công nghệ của họ.

Ở đất nước Sri Lanka, câu chuyện về một sân bay quốc tế lớn thứ hai nước này trở thành bài học đắt giá. Được xây dựng bằng nhân dân tệ, hứa hẹ đón 1 triệu lượt khách/năm nhưng khi hoàn thành chỉ phục vụ vài chục khác mỗi ngày.

Doanh thu một sân bay quốc tế chỉ vỏn vẹn 300 ngàn USD/năm so với số tiền 23,5 triệu đô/năm phải trả cho chủ nợ Trung Quốc trong suốt 8 năm ròng rã. Cuối cùng sân bay cũng bán, cảng nước sâu cũng nhượng 99 năm đổi lấy 1,1 tỷ đô từ Trung Quốc.

Từ câu chuyện chuyển giao công nghệ lỗi thời đến tận dụng nguồn tài chính dồi dào để thắng thầu thi công cho đến những đống nợ nghi ngút xung quanh các dự án ở Việt Nam và một số nước nghèo đều được dẫn đến bởi một con đường.

Xem thêm

Trương Khắc Hà

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.