|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quyền sở hữu trí tuệ ở Iceland được qui định như thế nào?

16:02 | 13/04/2020
Chia sẻ
Cục Bản quyền Iceland (IPO) là cơ quan quản lí nhà nước của Iceland, chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhãn hàng, nhãn hiệu thương mại, kiểu dáng, và các quyền liên quan.

Iceland tuân thủ các hiệp định quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ như Công ước Paris về bảo vệ sở hữu công nghiệp, Nghị định thư Madrid liên quan đến đăng kí quốc tế về nhãn hiệu.

Năm 2016, Iceland ban hành chính sách về quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2022. Chính sách này cho thấy nhận thức của chính phủ Iceland về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Những đề xuất của chính sách:

- Thành lập Văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO).

- Nghiên cứu rộng rãi tiềm năng về quyền sở hữu trí tuệ.

- Tăng cường phát triển công nghệ bằng sáng chế nhằm trang trải các chi phí.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

- Gia tăng nhận thức về IP từ cộng đồng doanh nghiệp.

Bằng sáng chế

Luật về bằng sáng chế của Iceland có hiệu lực từ năm 1991 và kể từ đó đến nay có rất ít sửa đổi, bổ sung. Gần đây nhất năm 2012 - 2013, có một số sửa đổi đối với các qui định về phí xin cấp bằng sáng chế áp dụng cho các nhãn hiệu thương mại, thiết kế thương mại và thủ tục xin cấp chứng nhận.

Quyền tác giả

Có nhiều sự thay đổi trong các qui định của pháp luật có liên quan đến quyền tác giả kể từ năm 1972 khi luật về quyền tác giả được áp dụng. 

Tính đến năm 2016, luật này được sửa đổi 4 lần có liên quan đến quyền đặc trưng của tác giả, hợp đồng nhượng quyền, gia hạn thời gian bảo hộ đối với các sản phẩm ghi âm và sao chép cho mục đích cá nhân.

Quyền sở hữu trí tuệ ở Iceland được qui định như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: freepik)

Nhãn hiệu thương mại

Luật nhãn hiệu thương mại của Iceland được sửa đổi năm 2012 và năm 2014, đây là kết quả đạt được từ Hiệp ước Singapore. Ngoài ra, thủ tục vô hiệu cũng được đưa ra và quy trình cấp nhãn hiệu thương mại của Iceland cũng được điều chỉnh phù hợp với qui định của các nước Bắc Âu khác.

Năm 2014, qui định về việc bảo vệ tên sản phẩm gắn liền với xuất xứ, các chỉ dẫn địa lí và các đặc trưng truyền thống đã có hiệu lực.

Chỉ dẫn địa lí

Theo qui định của Iceland, tên của sản phẩm có thể được bảo vệ nếu như sản phẩm đó có xuất xứ từ một vùng, khu vực cụ thể, có những đặc trưng riêng của vùng địa lí đó. 

Quá trình sản xuất, chế biến, sơ chế sản phẩm đó diễn ra tại một khu vực địa lí xác định. Tên liên quan đến khu vực địa lí đó có thể được bảo vệ. 

Luật Iceland cũng qui định tên sản phẩm sẽ được bảo vệ trước việc bị lạm dụng, bắt chước, sao chép hoặc các hành vi khác dẫn tới việc khách hàng hiểu sai. 

Để bảo vệ chỉ dẫn địa lí với sản phẩm, quá trình đăng kí cần phải được tiến hành theo luật kèm với một khoản phí 75 nghìn ISK. Chỉ dẫn địa lí sẽ do MAST cấp.

Iceland cũng thực thi các cam kết của mình về chỉ dẫn địa lí. Đây là một phần trong hiệp định về nông nghiệp đã kí với EU năm 2015, theo đó, danh sách 1.150 các sản phẩm và thực phẩm nông nghiệp của EU cần được bảo vệ sẽ nhận được sự bảo vệ tương ứng từ Iceland .

Phùng Nguyệt