|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quả chuối “thiên thời, địa lợi”

17:05 | 17/10/2016
Chia sẻ
Có thể nói, trong bối cảnh không chỉ của nền kinh tế nước ta, mà cả của thị trường thế giới, các nhà quản lý đã hoàn toàn đúng khi xác định rau quả là một hướng cần phát triển trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, chuối có lẽ là loại quả hiếm hoi hội tụ được hai yếu tố “thiên thời” và “địa lợi”, cho nên chỉ còn phụ thuộc vào các nhà quản lý.
qua chuoi thien thoi dia loi
Thị trường nhập khẩu chuối 14 tỉ đô la Mỹ của thế giới là rất lớn để chúng ta chen chân. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Các số liệu thống kê cho thấy, sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng hết sức ấn tượng, xuất khẩu hàng nông sản năm 2012 đã có dấu hiệu chững lại rất rõ ràng và từ năm 2013 đến nay đã hai lần tăng trưởng âm, nhưng riêng rau quả năm năm trở lại đây liên tục tăng đến 31,9%/năm.

Còn chín tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu 10 mặt hàng nông sản chủ yếu khác chỉ tăng rất khiêm tốn 4,1% thì rau quả tăng 31,6% và cả năm có thể chạm ngưỡng 2,5 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, nếu không kịp thời tìm kiếm và bổ sung những mặt hàng mới, “quả bóng” rau quả rồi cũng sớm “xì hơi”. Quả chuối hết sức bình dị đã bị chúng ta bỏ quên mấy thập kỷ qua lại có thể góp phần đẩy lùi nguy cơ đó.

Vì sao lại là quả chuối?

Thứ nhất, cách đây tròn nửa thế kỷ, trong khi kim ngạch xuất khẩu chuối của nước ta đạt hơn một triệu đô la Mỹ thì thế giới mới bỏ ra 650 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu mặt hàng này. Trong 10 năm trở lại đây, với nhịp độ tăng trưởng bình quân 4,7%/năm, nhu cầu nhập khẩu chuối của thế giới đã đạt hơn 14 tỉ đô la Mỹ nhưng kim ngạch xuất khẩu của nước ta chỉ nhích lên gần 6 triệu đô la Mỹ.

Nút thắt đầu tiên cho đến nay là các nhà quản lý đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của cây chuối và có hành động gì, hay là vẫn cứ để dân tự lo.

Rõ ràng, thị trường nhập khẩu chuối 14 tỉ đô la Mỹ của thế giới là rất lớn để chúng ta chen chân. Giả sử thị trường chuối thế giới phát triển chậm lại với nhịp độ tăng trưởng chừng 4,7%/năm như trong 10 năm trở lại đây thì năm 2025 sẽ đạt quy mô khổng lồ, hơn 22 tỉ đô la Mỹ.

Điều đáng quan tâm là trong khi các cường quốc xuất khẩu chuối hầu hết đều tập trung ở vùng Trung Mỹ và Caribbean như Ecuador, Costa Rica, Guatemala… thì ba cường quốc nhập khẩu chuối của thế giới lại là những thị trường gần chúng ta: Trung Quốc, Nhật Bản và Nga (với tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 đã đạt hơn 2,5 tỉ đô la Mỹ).

Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chuối với nhịp tăng tới 22,7%/năm trong 10 năm qua, còn Nga cũng có nhịp độ tăng rất nhanh 7,2%/năm. Do vậy, nếu ba cường quốc nhập khẩu chuối này chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng bằng một nửa nhịp độ tăng trong 10 năm qua thì tổng kim ngạch nhập khẩu trong 10 năm tới sẽ đạt quy mô khổng lồ 4,6 tỉ đô la Mỹ.

Đối với mặt hàng có chi phí vận chuyển và bảo quản đặc biệt lớn như chuối, chúng ta có lợi thế rất lớn về thị trường gần, ngay cả khi so với quốc gia xuất khẩu chuối lớn duy nhất ở châu Á là Philippines. Thứ hai, trong khi các loại trái cây mà chúng ta tập trung xuất khẩu hiện nay đòi hỏi điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, thậm chí là khắt khe, thì chuối là loại cây trồng có lẽ thuộc loại dễ tính bậc nhất, bởi nó vẫn đang có mặt ở tất cả các vùng trong cả nước.

Không những vậy, chuối cũng là loại cây không đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc quá khó.

Cần đổi mới cách tiếp cận

Cho dù vậy, nút thắt đầu tiên cho đến nay là các nhà quản lý đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của loại cây này và có hành động gì, hay là vẫn cứ để dân tự lo.

Nếu tình hình không thay đổi, chuối xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn vẫn gần như không có tên trên bản đồ chuối thế giới. Còn nếu nó được các nhà quản lý quyết tâm phát triển, chúng ta sẽ có rất nhiều việc cơ bản để làm.

Thứ nhất là quy hoạch các vùng trồng chuối tập trung đủ lớn, bởi gắn với nó phải là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, như thủy lợi, vận chuyển nội bộ, xử lý, bảo quản sau thu hoạch, cũng như hệ thống giao thông... Bởi lẽ, xuất khẩu với quy mô lớn thì không thể dựa vào những diện tích chuối manh mún và phát triển một cách tự phát.

Thứ hai, sau một nửa thế kỷ bị bỏ quên, năng suất chuối của Việt Nam hiện chỉ đạt 16,8 tấn/héc ta, chỉ bằng 80% năng suất bình quân của thế giới. Năng suất chuối của của Philippines cũng đã đạt 19,4 tấn/héc ta, còn các cường quốc xuất khẩu chuối khu vực Trung Mỹ đạt mức “khủng” - gần 40 tấn/héc ta, trong đó Costa Rica đạt kỷ lục với hơn 50 tấn/héc ta.

Rõ ràng, đây là điều chúng ta không thể không tính đến khi muốn chuối là mũi xuất khẩu nông sản đột phá. Đáng mừng là hiện nay, một số nơi ở nước ta đã có bước nhảy nhọt về năng suất, như mô hình trồng chuối cấy mô có tưới trên đất đồi Tây Bắc, hoặc không cần tưới ở vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt năng suất 30 tấn/héc ta.

Với giá xuất khẩu khá ổn định ở mức trên dưới 500 đô la Mỹ/tấn trong mấy năm gần đây, có thể thấy trồng chuối cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa.

Thứ ba, là người đi sau, muốn phát triển nhanh, chắc chắn gói giải pháp đồng bộ, tạo động lực phát triển đủ mạnh, từ khuyến khích, hỗ trợ giống chuối, đến ưu đãi đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng... là không thể thiếu.

Theo Nguyễn Đình Bích