Hà Nội lập quy hoạch phân khu đô thị hơn 3.300 ha tại Mê Linh, Sóc Sơn

Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng và Đô thị huyện Mê Linh Quách Sỹ Dũng thông tin về quy hoạch phân khu đô thị phía Tây đường Vành đai 4 - phân đoạn 1. (Ảnh: UBND huyện Mê Linh).
UBND huyện Mê Linh mới đây đã phối hợp với Ban Quản lý đồ án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - phân đoạn 1 (Bắc sông Hồng), tỷ lệ 1/2.000.
Theo quy hoạch Vùng Thủ đô, tuyến đường Vành đai 4 được định hướng với vai trò liên kết vùng, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các địa phương của Vùng Thủ đô, góp phần mở rộng không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai, tạo động lực, thúc đẩy, phát triển đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội nói riêng và của cả các địa phương trong Vùng Thủ đô nói chung.
Khu vực lập quy hoạch phân khu đô thị thuộc vùng phát triển đô thị phía Tây Vành đai 4 và nằm trong địa giới hành chính của 6 huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông với tổng quy mô diện tích khoảng 16.343 ha.
Trong đó, khu vực lập quy hoạch phân khu đô thị - phân đoạn 1 thuộc vùng đô thị phía Nam sông Hồng của đô thị trung tâm thành phố và nằm trong địa giới hành chính các xã: Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú, Tân Dân, Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) và Kim Hoa, Thanh Lâm, Thạch Đà, Hoàng Kim, Tam Đồng, Văn Khê, Đại Thịnh, Liên Mạc, Tự Lập, Chu Phan (huyện Mê Linh) với diện tích khoảng 3.331 ha.
Cụ thể, quy mô trong huyện Sóc Sơn khoảng 1.171 ha, huyện Mê Linh khoảng 2.160 ha. Quy mô diện tích đo đạc khoảng 3.559 ha. Dự báo tổng quy mô dân số của khu vực nghiên cứu đến năm 2045 khoảng 100.000 người.
Tại huyện Mê Linh, khu vực nghiên cứu thuộc địa giới hành chính các xã: Kim Hoa, Thanh Lâm, Thạch Đà, Hoàng Kim, Tam Đồng, Văn Khê, Đại Thịnh, Liên Mạc, Tự Lập, Chu Phan. Hiện trạng khu vực nghiên cứu chủ yếu là đất nông nghiệp. Dân cư hiện có trên địa bàn các xã trên tồn tại lâu đời nằm chủ yếu dọc theo các tuyến đường liên xã, liên huyện và sông Cà Lồ, với các công trình giáo dục, đào tạo; công trình dịch vụ y tế; công trình dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao và các công trình dịch vụ khác...