|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Đâu là điều các DN mong mỏi hơn hỗ trợ bằng tiền?

10:12 | 09/05/2020
Chia sẻ
Chia sẻ tại Hội nghị với DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cộng đồng DN còn nhiều kì vọng vào quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các CQNN để đồng hành cùng doanh nghiệp chớp lấy cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đang được kiểm soát tốt.
Thủ tướng đối thoại với cộng đồng DN: Đâu là điều mà các DN mong mỏi hơn là hỗ trợ bằng tiền? - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng nay (9/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp.

Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, các hoạt động của đời sống xã hội nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới.

Ông cũng cho biết thêm, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát nhanh gần 13.000 doanh nghiệp, theo đó có khoảng 84% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Doanh thu trong 4 tháng đâu năm 2020 dự kiến giảm mạnh còn 70% so với cùng kì năm 2019.

"Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến cho các doanh nghiệp buộc phải sử dụng biện pháp cắt giảm tạm tiền lương và lao động...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích nghi với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động", ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, kết quả của một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động và có giải pháp tự cứu mình, nhiều sáng kiến được triển khai để khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh, ví dụ như áp dụng giờ làm linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nhiều nguồn cung ứng, nguyên vật liệu thay thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm mới, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa...

Về phía các cơ quan nhà nước, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, điển hình như Chỉ thị 11. Đây là nền tảng định hướng cho chính sách cụ thể như Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị định 41/2020/NĐ-CP...

Ông Dũng cho biết các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu, thể hiện qua con số 88% các doanh nghiệp đã nhận định các nhóm giải pháp mà Chính phủ ban hành theo Chỉ thị 11 là phù hợp và kịp thời.

"Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều mong mỏi và kì vọng vào quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước để đồng hành cùng doanh nghiệp chớp lấy cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đang được kiểm soát tốt.

Điểm đáng chú ý trong các kiến nghị của doanh nghiệp là Chính phủ cần thực hiện triệt để hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính; bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, nhất quan trong các qui định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: "Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ cơ quan chính quyền hơn là hỗ trợ bằng tiền."

Thanh Tùng