Phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt phải chấp nhận một thử thách đau đớn
Hàng loạt doanh nghiệp bế tắc
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, các ngành hàng xuất khẩu phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang đứng trước tình trạng báo động vì nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên liệu.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lí kinh tế Trung ương, cho biết dịch bệnh đang làm kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nhiều mặt, nhất là các ngành hàng xuất nhập khẩu, dệt may, cơ khí, du lịch, hàng không, đường sắt… Chuỗi giá trị bị đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc nay gián đoạn.
"Không chỉ giáng mạnh vào ngành du lịch, vận tải, mà còn cả với dệt may, da giày..., Covid-19 thậm chí cả nền kinh tế nói chung và tác động này là tác động kép cả đầu vào và đầu ra", ông Doanh nhận định.
Ngành dệt may có đến 60% các linh kiện từ vải đến cái cúc áo, sợi chỉ, cây kim… đều nhập từ Trung Quốc. Nguyên nhân do các công ty Trung Quốc rất nhanh nhạy, linh hoạt... đối với doanh nghiệp Việt Nam và khó có doanh nghiệp nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành dệt may một cách thuận lợi, linh hoạt và dễ dàng như Trung Quốc.
"Ví dụ công ty Việt yêu cầu đổi lại loại vải nào đó thì họ đáp ứng trong vòng 48 tiếng mà không lấy thêm bất cứ đồng nào. Có thể nói doanh nghiệp Trung Quốc cung ứng giá vừa rẻ, nhanh, linh hoạt… nên doanh nghiệp Việt phải phụ thuộc", ông nói.
Khi mất thị trường này, ngành dệt may trở thành một trong những ngành phải trả giá đắt. "Dự báo cuối tháng 3 này nhiều đơn vị ngành may sẽ hết vật tư nguyên liệu sản xuất”, ông Doanh cảnh báo.
Chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình, bà Trần Thị Giang Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thái Bình, cho hay không chỉ những doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu Trung Quốc bị ảnh hưởng mà cả những doanh nghiệp chủ yếu dùng nguyên liệu trong nước cũng không tránh khỏi tác động từ dịch bệnh.
Bà Thuỷ cho biết đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, công ty chưa chịu tác động lớn vì hàng hóa đầu vào không mua từ Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty vẫn bị ảnh hưởng như việc giao hàng chậm từ các đơn vị sản xuất có nguyên vật liệu đầu vào xuất xứ Trung Quốc.
"Riêng với nhà máy sản xuất tã lót và băng vệ sinh tại Cuba chịu tác động rất lớn vì 50% nguyên vật liệu sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc", bà Thủy chia sẻ.
Còn theo đại diện Công ty nhựa Duy Tân, hiện doanh nghiệp đang phải xây dựng kịch bản để ứng phó dịch, bởi khi tình hình kinh tế khó khăn, nhựa không phải là mặt hàng thiết yếu và thậm chí bị cắt bớt nhu cầu nên doanh thu của doanh nghiệp chắc chắn sẽ giảm.
Cùng với kế hoạch ứng phó, doanh nghiệp này kì vọng vào những chương trình đồng hành, hỗ trợ của nhà nước để vượt khó.
“Bây giờ nguyên liệu đầu vào cũng bị ảnh hưởng luôn vì Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng dịch bệnh hoành hành. Chính vì thế, doanh nghiệp cũng đang phải đưa ra rất nhiều kịch bản để đối phó trong khi chờ đợi những phương án cứu trợ của Nhà nước”, đại diện Duy Tân nói.
Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA), nhận định dịch Covid-19 khiến các công ty dệt may, da giày, đồ gỗ... gặp rất nhiều khó khăn. Bà Hạnh dẫn chứng khi đến thăm Công ty Gốm sứ Minh Long, đơn vị này cho biết tình hình rất nghiêm trọng khi lượng đơn hàng giảm mạnh.
Bà chia sẻ công ty này vừa tham gia hội chợ quốc tế về lĩnh vực hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ… tại Đức. Đây là sự kiện thường giúp công ty tìm được nhiều đơn hàng lớn nhưng do dịch xảy ra, lượng khách đến tham dự giảm 60%, 700 doanh nghiệp của Trung Quốc không đến triển lãm,... khiến việc chào hàng khó khăn.
"Trong nguy có cơ"
Theo ông Lê Đăng Doanh cho rằng tác động tiêu cực này chủ yếu sẽ diễn ra trong quí I và quí II/2020, khi dịch bệnh được dự báo là cao điểm, lắng xuống và có độ trễ sau đó.
Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS… đều dự báo dịch bệnh có thể khiến GDP toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 0,3 - 0,7 điểm % tùy thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh đặc biệt tại Trung Quốc. Bởi vì đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm tỉ trọng khoảng 17% GDP toàn cầu và đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu….
“Thiệt hại về sản xuất do chuỗi giá trị với Trung Quốc bị gián đoạn không nhỏ, nhưng chưa có số liệu đầy đủ. Doanh nghiệp chấp nhận một thử thách đau đớn và coi đó là cơ hội để các doanh nghiệp liên kết lại với nhau và cùng đứng dậy. Chúng ta vẫn còn nhà xưởng máy móc người lao động vấn đề là phải sáng tạo để có những phương án vượt qua thách thức”, ông Doanh nói.
Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận để ứng phó Covid-19 điều quan trọng lúc này là cầm cự, duy trì hoạt động để chờ cơ hội. Đây là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, tính tới tái cấu trúc, thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi dòng sản phẩm, thay đổi các thị trường chính và thậm chí là thay đổi công nghệ.
Sẽ có những doanh nghiệp tận dụng được lợi thế do ngành mình mang lại như dược phẩm, y tế… và những doanh nghiệp khác có thể tính toán làm sao giữ được độ ổn định tương đối, duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn với kịch bản thực tế nhất.
"Chúng ta đã có một cơ hội cay đắng”, bà Vũ Kim Hạnh nói và cho biết một số doanh nghiệp đã nhận ra rằng trước giờ chỉ mải chạy theo sự vụ, theo thị trường, theo tình huống, khi gặp vấn đề mới thấy rằng, nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào một thị trường.
Bà cũng cho rằng đây là thời gian rất quan trọng, "khi mình bị đẩy tới chân tường, mình phải bật dậy và tiếp tục sống" và các doanh nghiệp cần phải suy nghĩ về mô hình kinh doanh, bộ máy nhân sự, thu chi báo cáo tài chính và các dòng sản phẩm.