|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Mỹ, EU để giảm áp lực khi thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ

17:50 | 26/02/2020
Chia sẻ
Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng điều này không thể làm một sớm một chiều nhưng không vì thế mà doanh nghiệp ngồi im trông chờ dịch bệnh kết thúc.

Chia sẻ với người viết tại Triển lãm và Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam 2020), ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết rau, hoa, quả là nhóm hàng sản xuất quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.

Những năm qua, qui mô sản xuất, năng suất và sản lượng rau, hoa, quả đều tăng trung bình trên 5%/năm. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu của nhóm rau, hoa, quả của Việt Nam đã tăng thêm 30% trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, ngành rau, hoa, quả Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức như hạn chế về đầu tư, thiếu công nghệ sản xuất, chế biến, thị trường tiêu thụ bấp bênh.

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Mỹ, EU…để giảm áp lực thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo Tổng Cục Hải Quan, xuất khẩu rau quả năm 2019 của Việt Nam đạt 3,74 tỉ USD, giảm 1,7% so năm 2018. Sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu năm qua là do giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hơn 13%.

Thị trường này đã đưa ra nhiều rào cản mới về chất lượng, nhãn mác buộc các doanh nghiệp trong nước phải xuất khẩu qua đường chính ngạch.

Thêm vào đó, từ đầu năm 2020 tới nay xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua thị trường chính là Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, trong tháng 1/2020 xuất khẩu hàng rau quả đạt 280,79 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng 1/2019. Trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.

Tỉ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 1/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1/2020.

Theo Bộ Công Thương thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây.

Tuy nhiên sau kì nghỉ tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 khiến các cửa khẩu biên giới tạm thời đóng cửa.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam, chia sẻ bình quân mỗi tháng rau quả Việt xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 200 triệu USD. Nhưng thị trường này sụt giảm nên doanh nghiệp trong ngành đang tính đến các giải pháp tiêu thụ ở nội địa, đồng thời tiềm kiếm đối tác với những thị trường mới.

"Mặc dù việc này không thể làm một sớm một chiều song không vì thế mà doanh nghiệp ngồi im trông chờ dịch bệnh kết thúc. Chúng tôi đang khuyến cáo các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu qua những thị trường mới, tiềm năng như Thái Lan, Mỹ, EU… để giảm áp lực do thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ bởi tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, trong bối cảnh xuất khẩu rau, hoa, quả đang gặp nhiều bất lợi, HortEx Vietnam 2020 với sự tham gia của các nhà thu mua đến từ nhiều quốc gia, khu vực có tiềm năng xuất khẩu lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Australia… được kì vọng sẽ là diễn đàn kết nối thương mại, tìm kiếm thị trường hiệu quả cho các sản phẩm rau, hoa, quả của Việt Nam.

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Mỹ, EU…để giảm áp lực thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ do dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Mặc dù không có sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc nhưng vẫn có hơn 150 doanh nghiệp từ nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển tham gia Hortex Việt Nam 2020. Ảnh: Như Huỳnh.

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Mỹ, EU…để giảm áp lực thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ do dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Các oanh nghiệp rất quan tâm đến nhu cầu, công nghệ từ các nước như Hà Lan, Israel, Tây Ban Nha... Ảnh: Như Huỳnh

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Mỹ, EU…để giảm áp lực thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ do dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Những thiết bị cơ giới hóa sản xuất tiên tiến được giới thiệu đến khách hàng Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Triển lãm, diễn ra từ 26/2 đến hết ngày 28/2 tại TP HCM, tuy thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp và khách tham quan đến từ Trung Quốc do dịch Covid-19 nhưng vẫn có sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp đến từ 24 quốc gia. 

Trong đó có các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển công nghệ cao hàng đầu thế giới như Hà Lan, Israel, Tây Ban Nha...

Ngoài ra cũng theo ông Nguyên, bên cạnh việc mở rộng các thị trường xuất khẩu thì rau quả Việt cần đồng thời tập trung mạnh vào thị trường gần 100 triệu dân tại nội địa bởi gần đây mức sống của người dân tăng lên kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm rau quả nhiều hơn.

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Mỹ, EU…để giảm áp lực thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ do dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Mỹ, EU…để giảm áp lực thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ do dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kết nối tiêu thụ nông sản ngay tại triển lãm. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: "Để khai thác tốt thị trường trong nước chúng ta phải tính toán kĩ tới nhu cầu thực sự ở thị trường, đừng nghĩ trong nước có yêu cầu với sản phẩm thấp, như vậy là sai lầm. Hiện nay các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội… người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ có xu hướng tiêu thụ các sản phẩm ngoại vì cho rằng chúng có chất lượng tốt".

Doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể trong tuyên truyền tốt để họ thấy sản phẩm Việt Nam an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khó tính nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm.

Bên cạnh đó doanh nghiệp phải xúc tiến thương mại ngay tại nội địa để hàng hóa đến được người tiêu dùng. Ngoài ra cần giảm chi phí trung gian ở mức thấp nhất nhằm hạ giá thành sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận, ông Sơn nhấn mạnh.


Như Huỳnh