Sếp Lazada Việt Nam: Các sàn khó giữ chân khách hàng nếu chỉ dựa vào các chương trình khuyến mãi
Mới đây, trong tập 17 chương trình Talkshow The Next Power, ông Đặng Anh Dũng – Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam đã có những chia sẻ về thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng như dự đoán về những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai.
Câu chuyện 10 năm của Lazada
Khi được hỏi về mặt tài chính liên quan tới câu chuyện chuyển đổi sáng tạo tại Lazada, ông Dũng cho biết mục tiêu cuối cùng của Lazada là đem lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng.
“Nếu có thể hiểu được nhu cầu của khách hàng, kết hợp sự hỗ trợ của người bán và các thương hiệu, thì tất cả bài toàn về sau sẽ được giải quyết. Tất nhiên, những khoản đầu tư vào một số hạng mục, như công nghệ, sẽ rất tốn kém, nhưng điều này sẽ mang tới những trải nghiệm tốt hơn cho mọi người”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, câu chuyện của Lazada trong suốt thời gian qua là tìm cách xây dựng được một sàn thương mại điện tử (TMĐT) đủ sức đi một con đường dài. “Năm nay là năm thứ 10 của Lazada tại Việt Nam. Tôi nghĩ 10 năm đầu là 10 năm đầu tư vào năng lực tổ chức, vận hành logistics, con người,… Tuy nhiên, 10 năm tiếp theo là câu chuyện khác. Đó là quãng thời gian về câu chuyện làm thế nào để đem tất cả sức mạnh trong 10 năm qua, nhất là hai năm đại dịch COVID-19, để đi con đường dài hơn trong 10 năm tới”, ông Dũng cho biết.
Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam chia sẻ một số yếu tố có thể trở thành tác nhân ảnh hưởng đến thành công của mục tiêu trên, bao gồm mức độ thấu hiểu khách hàng, sức mạnh tổng thể tất cả khía cạnh trong mô hình kinh doanh,…
Trong 10 năm tiếp theo, ông Dũng cho biết mục tiêu của doanh nghiệp sẽ là tập trung vào câu hỏi “Sứ mệnh của Lazada Việt Nam là gì?”. “Chúng tôi không chỉ tập trung vào việc mở rộng thị phần, chiếm lĩnh được niềm tin của khách hàng, mà còn tiếp tục đào tạo và chuyển giao kinh nghiệm đội ngũ nhân lực để thị trường TMĐT Việt Nam cùng phát triển”, ông Dũng nói thêm.
“Mục tiêu của Lazada luôn là dài hạn. Thị trường TMĐT thay đổi rất nhanh. Vì vậy, nếu không chuẩn bị tâm thế, năng lực thì sức ép ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới các mục tiêu dài hạn. Cạnh tranh trên thị trường là điều tất yếu, và cũng là động lực để chúng ta sáng tạo hơn”, lãnh đạo Lazada cho biết.
Các chương trình khuyến mãi không phải là yếu tố cốt lõi của TMĐT
Liên quan tới câu về việc liệu thị trường TMĐT sẽ như thế nào nếu một ngày không còn các chương trình khuyến mãi, ông Dũng chia sẻ: “Việc chờ tới các mùa sales hay dùng vouchers để mua sắm là hành vi tự nhiên của người tiêu dùng. Tôi nghĩ rằng cũng rất khó để xảy ra việc có một ngày các chương trình khuyến mãi không còn xuất hiện bởi đó là “DNA của TMĐT”. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong 1-2 năm tới, các mô hình TMĐT cần đi sâu hơn vào khía cạnh kinh tế”.
Cụ thể, ông Dũng cho biết khi người dùng tìm kiếm một sản phẩm trên sàn TMĐT, họ sẽ nghĩ về việc các sản phẩm đó sẽ mang lại giá trị và trải nghiệm như thế nào cho bản thân. Do đó, công việc của các sàn TMĐT là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của người dùng.
“Nếu chỉ tập trung vào các chương trình khuyến mãi, các đợt giảm giá hay vouchers, các sàn TMĐT sẽ không bao giờ giữ được tệp khách hàng trung thành”, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam chia sẻ.
Nhân sự trẻ, động lực phát triển cho TMĐT
Một trong những điểm mới tại Lazada khiến ông Dũng cảm thấy hạnh phúc trong thời gian qua đó là có những nhân viên trẻ, những người mới chỉ khoảng 35 tuổi, nhưng đã đồng hành cùng ông từ những ngày ông mới bắt đầu vào Lazada, và nay đã được giữ những chức vụ quan trọng tại sàn TMĐT này.
“Tôi nghĩ rằng tương lai của TMĐT thuộc về những người trẻ, nhanh nhạy trong việc nắm bắt các xu hướng mới và nhìn thấy sự thay đổi xảy ra rất nhanh. Các bạn có thể biến những điều hành thành hành động hoặc chiến lược cụ thể”, ông Dũng chia sẻ.
Ông nói thêm rằng trong vài năm gần đây, Lazada đã thu hút rất nhiều nhân sự trẻ, đa số ở đội tuổi Gen Z, tạo ra sự năng động và sáng tạo. “Tôi làm việc với nhiều người trẻ. Hiện Lazada có khoảng hơn 1.000 lao động dưới 30 tuổi. Vì vậy, không thể lãnh đạo các bạn theo kiểu “bảo gì làm đấy” mà phải tìm cách để định hướng các con đường tốt nhất cho các bạn, còn làm thế nào để các bạn có thể đi đến đích là dựa nhiều vào sự sáng tạo và thay đổi của các bạn”.
Để một sàn TMĐT có thể đi nhanh và đi xa hơn trong tương lai, tất cả bộ phận và các yếu tố cấu thành của doanh nghiệp phải hoạt động nhịp nhàng, đồng lòng và quyết tâm cùng nhau.Sếp