|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao Đông Nam Á đang trở thành 'mỏ vàng' cho TikTok Shop?

07:55 | 02/06/2023
Chia sẻ
Trong khi TikTok Shop, tính năng TMĐT của TikTok đang mở rộng dấu ấn của mình tại Đông Nam Á, các sàn TMĐT hàng đầu khu vực này là Shopee và Lazada lại đang hướng sự chú ý nhiều hơn sang các thị trường khác, tiêu biểu là châu Âu.

Hai năm kể từ khi ra mắt, mức độ phổ biến của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của TikTok, TikTok Shop, đã tăng lên nhanh chóng nhờ sự tăng trưởng thần tốc trên toàn cầu của ứng dụng video ngắn này, theo Tech Wire Asia.

Sự phát triển nhanh chóng của tính năng mua sắm do ByteDance sở hữu thậm chí còn đặt ra câu hỏi liệu Shopee và Lazada còn có thể dẫn đầu trên thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á hay không.

Mặc dù TikTok chủ yếu được biết đến như một nền tảng truyền thông xã hội dành cho các video ngắn, nhưng nền tảng này đã bắt đầu tham gia lĩnh vực thương mại điện tử vào cuối năm 2021. Đến năm 2022, nhánh thương mại điện tử của nền tảng video ngắn bắt đầu tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Năm ngoái, TikTok Shop đã mở rộng sang 6 quốc gia Đông Nam Á, gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.

TikTok Shop ngày càng mở rộng dấu ấn của mình tại Đông Nam Á. (Ảnh: Tech Wire Asia).

Theo dữ liệu từ hãng truyền thông công nghệ The Information, GMV của TikTok Shop, hay tổng giá trị hàng hóa bán ra, đã tăng vọt hơn 4 lần lên 4,4 tỷ USD ở Đông Nam Á vào năm 2022. Năm nay, TikTok Shop được cho là nhắm mục tiêu đạt GMV 12 tỷ USD.

Trong một báo cáo gần đây về Sea Group, chủ sở hữu của nền tảng TMĐT Shopee, Shawn Yang, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus, đã nhấn mạnh cách TikTok tiếp tục phát triển ở các nước Đông Nam Á.

“Chúng tôi ước tính rằng GMV năm 2023 của TikTok sẽ đạt mức 20% so với Shopee”, Yang nói. GMV hiện tại của TikTok Shop chỉ bằng một phần nhỏ so với Shopee và Lazada. Shopee đã thu được 73,5 tỷ USD GMV cho năm 2022, trong khi GMV của Lazada là 21 tỷ USD tính đến tháng 9/2021, theo các số liệu công khai có sẵn.

Theo báo cáo cuối năm của TikTok, GMV của hoạt động kinh doanh xuyên biên giới quốc tế đã tăng 136% vào năm ngoái, với việc gã khổng lồ truyền thông xã hội đặt mục tiêu GMV mới là 23 tỷ USD cho năm 2023. “Hơn 30.000 người có ảnh hưởng và 60.000 cửa hàng đã phát sóng hơn 2,7 triệu giờ nội dung thương mại quảng bá sản phẩm của họ, thu được 1,3 tỷ tương tác của người dùng”, báo cáo nêu rõ.

Đáng nói, sự mở rộng nhanh chóng của TikTok Shop tại Đông Nam Á lại diễn ra khi các nền tảng thương mại điện tử khác trong khu vực hướng sự chú ý ra nước ngoài. Cả Lazada và Shopee đều đang có những kế hoạch tại châu Âu. Ngoài ra, Shopee, công ty đang mở rộng dấu ấn của mình tại Malaysia, cũng tiếp tục xây dựng các hoạt động tại Brazil sau khi rời khỏi một số thị trường châu Âu và Mỹ Latinh.

Trong khi đó, TikTok gần đây đã đẩy mạnh hoạt động của mình trên toàn khu vực Đông Nam Á, bao gồm các tính năng nền tảng mới, ưu đãi dành cho người bán và quan hệ đối tác với các nhà hỗ trợ thương mại điện tử và đối tác hậu cần.

Vì sao Đông Nam Á là mỏ vàng cho TikTok Shop?

Trong khi thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á đã tăng tốc kể từ giữa những năm 2010, thì đại dịch COVID-19 đã đẩy nó sang một giai đoạn mới. Theo McKinsey, từ năm 2016 đến năm 2021, tổng giá trị doanh số thương mại điện tử tại Đông Nam Á đã tăng gấp 5 lần, tương đương 40% mỗi năm. Thị phần của thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ đã tăng từ 5% lên 20% trong cùng giai đoạn.

Giai đoạn tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á không chỉ xoay quanh vấn đề gia tăng giá trị. Trên khắp khu vực, ngày càng có nhiều người mua nhiều loại sản phẩm trực tuyến hơn trên các kênh đa dạng hơn. Một ví dụ cụ thể là thương mại xã hội, một cách tiếp cận thương mại điện tử cho phép các doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng trong ứng dụng.

Trên toàn cầu, thương mại xã hội đang trên đường trở thành ngành công nghiệp trị giá 1.200 tỷ USD vào năm 2025, với những thành tựu đáng kể nhất được thực hiện ở Brazil và Ấn Độ. Mặt khác, ở Đông Nam Á, sự phổ biến của thương mại xã hội đã được đẩy nhanh nhờ tỷ lệ thâm nhập internet cao. Ngày nay, người dùng smartphone dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội và qua đó tăng mức độ tương tác.

Với hơn 250 triệu người dùng ở Đông Nam Á, TikTok đang xây dựng được nền tảng để đẫn đầu thị trường thương mại xã hội trong khu vực. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu bán lẻ trực tuyến Cube Asia, tâm lý của người mua sắm ở Đông Nam Á cũng đang chứng kiến sự thay đổi.

Cuộc khảo sát cho thấy những người tiêu dùng đã chi tiêu cho TikTok Shop đang giảm chi tiêu trên Shopee (giảm 51%), Lazada (giảm 45%) và ngoại tuyến (giảm 38%) ở Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Bên cạnh đó, dữ liệu nhân khẩu học được thu thập trực tuyến cho thấy 10 quốc gia hàng đầu có lượng người dùng TikTok tích cực nhất trên toàn cầu phần lớn là ở Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan.

Theo Statista, Indonesia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ hai sau Mỹ. Ngoài ra, điều khiến TikTok Shop khác biệt với đối thủ cạnh tranh là nó tính phí hoa hồng thấp nhất vì tính năng này cố gắng chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh ở mức 1%, so với mức phí 10% trên các nền tảng khác.

Anh Nguyễn

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.