|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các ứng dụng Trung Quốc vẫn phổ biến tại Mỹ bất chấp TikTok có nguy cơ bị cấm

07:21 | 30/05/2023
Chia sẻ
Mặc dù ứng dụng TikTok của ByteDance, một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, đang đối mặt với nguy cơ bị cấm tại Mỹ, các ứng dụng khác của Trung Quốc vẫn đang "làm mưa, làm gió" tại thị trường này.

Trong vài năm gần đây, TikTok của ByteDance đã trở thành tâm điểm của các nhà lập pháp và quan chức Mỹ vì lo ngại ứng dụng này có thể được sử dụng để theo dõi người dùng Mỹ. Những mối quan tâm đó đã trở thành tâm điểm trong suốt 5 giờ đồng hồ chỉ trích CEO của TikTok trong phiên điều trần vào tháng 3, theo CNBC.

Tuy nhiên, trong khi TikTok đang là ứng dụng được chú ý nhiều bậc nhất thời điểm hiện tại, thì các ứng dụng khác của Trung Quốc gặp vấn đề tương tự cũng đang dần trở nên phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ.

Những lo ngại về ByteDance phần lớn xuất phát từ luật an ninh quốc gia, cho phép chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào một lượng lớn thông tin kinh doanh nếu họ tuyên bố là vì mục đích an ninh quốc gia.

Các quan chức và các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập bất kỳ thông tin nào mà các công ty ứng dụng có trụ sở tại Trung Quốc đã thu thập từ người dùng Mỹ, từ địa chỉ email đến sở thích của người dùng cho đến giấy phép lái xe.

Dù vậy, điều đó dường như không ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng, vì một số ứng dụng có trụ sở tại Trung Quốc vẫn đang bùng nổ ở Mỹ. Ví dụ, ứng dụng mua sắm Temu, thuộc sở hữu của PDD Holdings có trụ sở tại Trung Quốc, đứng ở vị trí thứ hai trên App Store trong số các ứng dụng miễn phí phổ biến nhất tại Mỹ tính đến cuối tháng 5.

Các ứng dụng như Temu vẫn đang rất phổ biến tại Mỹ. (Ảnh: CNBC).

Trong khi đó, các ứng dụng CapCut và TikTok cùng thuộc sở hữu của công ty ByteDance giữ vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng App Store. Thương hiệu thời trang nhanh Trung Quốc Shein giữ vị trí thứ 14.

Giai đoạn cuối tháng 3 – cuối tháng 4, sau phiên điều trần của CEO TikTok trước Quốc hội Mỹ, ứng dụng Lemon8 của ByteDance cũng đã đạt gần 1 triệu lượt tải xuống ở Mỹ, Insider Intelligence đã báo cáo dựa trên dữ liệu từ Apptopia. Đây là một ứng dụng có điểm tương đồng với Pinterest và Instagram.

Các ứng dụng này chia sẻ một số tính năng khiến chính phủ Mỹ lo lắng, bao gồm cả việc liệu một số công ty này có bảo vệ đầy đủ dữ liệu người dùng Mỹ khi họ hoạt động bên ngoài Trung Quốc hay không.

Giống như TikTok, các ứng dụng này thu thập thông tin người dùng, có thể phân tích xu hướng sở thích của họ và sử dụng thuật toán để nhắm mục tiêu người tiêu dùng bằng các sản phẩm hoặc thông tin có khả năng khiến họ tương tác với dịch vụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia về Trung Quốc và mạng xã hội cho biết có những điểm khác biệt quan trọng giữa các ứng dụng này và TikTok, điều này có thể giải thích cho việc chính phủ Mỹ không mấy chú ý tới các ứng dụng này. Một trong những lý do quan trọng nhất đó là quy mô hiện diện của họ ở Mỹ.

TikTok so với các ứng dụng Trung Quốc khác

Ngay cả khi các ứng dụng phát triển, cơ sở người dùng ở Mỹ của nhiều ứng dụng phổ biến của Trung Quốc vẫn bị lấn át bởi lượng người dùng khổng lồ tại Mỹ của TikTok với 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Chẳng hạn, ứng dụng chị em của TikTok, Lemon8, ước tính có khoảng 1,8 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Mỹ, theo Apptopia. Trong khi TikTok đã có 415 triệu lượt tải xuống ở Mỹ kể từ khi ra mắt tại đây, CapCut đã có 99 triệu, Temu có 67 triệu và Lemon8 có 1,2 triệu, theo Apptopia.

Chỉ Shein vượt qua TikTok về số lượt tải xuống trong nhóm ứng dụng này, mặc dù ứng dụng này đã ra mắt sớm hơn rất nhiều ở Mỹ vào năm 2014. Ứng dụng của Shein có 855 triệu lượt tải xuống ở Mỹ kể từ khi ra mắt, mặc dù Apptopia ước tính ứng dụng này chỉ có khoảng 22 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Lindsay Gorman, thành viên cấp cao về các công nghệ mới nổi tại Liên minh Bảo mật của Quỹ Marshall cho biết: “Một ứng dụng có một nghìn hoặc thậm chí một triệu người dùng ở Mỹ không gây ra mối đe dọa an ninh mạng phổ biến như một ứng dụng có 100 triệu người dùng”.

Điều đó có nghĩa là một ứng dụng như CapCut của ByteDance có thể có rủi ro thấp hơn, cả vì yếu tố cơ sở người dùng nhỏ hơn cũng như vì ứng dụng này nhằm mục đích chỉnh sửa video thay vì phân phối chúng.

Trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng về TikTok, người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chuyển sang các ứng dụng khác của Trung Quốc. Jasmine Enberg, nhà phân tích chính về truyền thông xã hội tại Insider Intelligence, cho biết: “Trong số các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất luôn có các ứng dụng có trụ sở tại Trung Quốc như Temu và CapCut”.

Bên cạnh đó, đối với các ứng dụng thương mại điện tử, nguy cơ phát tán thông tin sai lệch có hại có thể không cao như trên dịch vụ truyền thông xã hội. Một nền tảng thương mại điện tử như Temu hoặc Shein có thể là một nền tảng ít khả thi hơn để truyền bá tuyên truyền so với một ứng dụng video như TikTok.

Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn có thể tìm ra lý do để lo ngại. Một báo cáo gần đây của CNN cho thấy công ty chị em của Temu là Pinduoduo, một ứng dụng mua sắm phổ biến ở Trung Quốc, có chứa phần mềm độc hại. Công ty mẹ của cả hai ứng dụng, PDD Holdings, đã không trả lời bình luận về vấn đề này.

Anh Nguyễn