Việt Nam có 18 ứng dụng tối thiểu 5 triệu người dùng
Vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã công bố tài liệu Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước quý II/2023 với các Sở Thông tin & Truyền thông (Sở TT&TT).
Theo đó, tính trong tháng 4, tổng số lượt download các ứng dụng di động của Việt Nam là 278 triệu lượt, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trực tiếp từ các giao dịch trên ứng dụng di động tăng 9,82% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, số lượng các ứng dụng có người dùng trên 10 triệu có tổng cộng 7 ứng dụng (Zalo, Zing Mp3, Báo Mới, Ví Momo, MB Bank, VNEID, My Viettel) và 11 ứng dụng có từ 5 đến 10 triệu người dùng.
Xu hướng nổi bật về hoạt động của người dân trên các ứng dụng di động của tháng 4 ghi nhận sự tham gia của người dùng nhiều nhất ở các ứng dụng mạng xã hội và thanh toán số. Bên cạnh đó, hai ứng dụng do cơ quan nhà nước phát triển được người dùng sử dụng nhiều nhất là VssID và VNeID.
Kết thúc quý I/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 14,62%, tăng lên so với mức 14,26% của năm 2022 và 11,91% trong năm 2021. Hiện tại, các Sở TT&TT đang tích cực phối hợp triển khai việc khảo sát, đo lường các chỉ số, tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số của các địa phương trên hai trụ cột kinh tế số và xã hội số.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực kinh tế số và xã hội số của Việt Nam cũng ghi nhận một số sự kiện quan trọng, bao gồm: Phối hợp với Sở TT&TT Thanh Hóa tổ chức một Hội nghị hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số tại tỉnh Thanh Hóa; tháng 5, Bộ TT&TT đã thúc đẩy chuyển đổi số tại một số địa phương như Hà Nam; huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; chuẩn bị các công việc để tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ nhất tại Nam Định và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế số với đoàn đại biểu cấp cao đảng cầm quyền Tanzania.
Theo số liệu mới được công bố, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (GTGT) kinh tế số ICT trong quý I so với bình quân quý trong năm 2022 là 13,6% (250 tỷ đồng so với 220 tỷ đồng). Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng GTGT kinh tế số ICT so với quý trước là âm 0,28%.
Theo Bộ TT&TT, việc ước tính GTGT của kinh tế số ICT theo quý dựa trên số liệu doanh thu của các doanh nghiệp có đăng ký mã ngành kinh doanh chính thuộc danh mục các ngành nghề lĩnh vực kinh tế số ICT.
Số liệu quý IV/2022 được điều chỉnh theo số liệu quyết toán năm 2022 của doanh nghiệp (được điều chỉnh tăng giảm so với tổng ghi nhận của các quý trước). Do có sự ghi nhận doanh thu tập trung ở quý IV (đặc biệt đối với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam) nên số liệu ghi nhận tại quý I/2023 được so sánh với trung bình năm 2022 (sau khi đã điều chỉnh theo số liệu quyết toán).
Đối với quý I/2023, 13,6% là số liệu tăng trưởng kinh tế số so với mức trung bình quý của năm 2022, lý do: Doanh thu ghi nhận theo báo cáo quyết toán năm 2022 (theo quy định Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp bắt đầu từ 1/4, kết thúc vào 31/3 hàng năm thì số liệu trên Báo cáo tài chính được tổng hợp thống kê vào số liệu của năm trước liền kề).
Do vậy, sau khi số liệu quyết toán được công bố, kết quả trên báo cáo quyết toán mới được coi là số liệu chính thức và sẽ được điều chỉnh lại cho số liệu của năm 2022. Chính vì vậy, khi so sánh tăng trưởng vào năm 2023, sẽ so sánh với số liệu trung bình quý của năm 2022.