Zalo, Viber, Telegram,... vào tầm ngắm tại Việt Nam
Ngày 2/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Về nội dung cụ thể, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật gồm 10 chương, 74 điều. Theo đó, dự thảo Luật quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng: đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng; quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh.
Bên cạnh đó, dự thảo tập trung vào một số vấn đề khác như: Xác định hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là một phần quan trọng của hạ tầng số; Điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua vệ tinh theo nguyên tắc quản lý chặt, đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, phù hợp với cam kết quốc tế; Điều chỉnh hoạt động bán buôn trong viễn thông để đảm bảo thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững.
Dự thảo cũng bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh.
Đối với các nội dung mới có thể phát sinh trong tương lai như Internet thế hệ mới, mô hình hoạt động viễn thông mới, dự thảo Luật bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành các quy định điều chỉnh mới theo nguyên tắc phù hợp với quy định chung đã có của Luật.
Cần quản lý Zalo, Viber, Telegram...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy, Ủy ban KH,CN&MT tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các dịch vụ: trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây; dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.
"Một số dịch vụ viễn thông mới xuất hiện, cần phải được quản lý bằng pháp luật ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này", ông Lê Quang Huy nói.
Theo ông Huy, dịch vụ OTT về bản chất là dùng Internet để cung cấp phần mềm ứng dụng, như Zalo, Viber, Telegram... Theo kinh nghiệm quốc tế, về cơ bản, OTT được chia thành hai loại chính, gồm OTT viễn thông và OTT cung cấp nội dung thông tin.
OTT có chức năng hội thoại, họp trực tuyến, chat, tin nhắn không thu phí... Nhờ những đặc điểm này dẫn, việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu tin nhắn và thoại truyền thống của doanh nghiệp viễn thông nhiều quốc gia, trong đó có thị trường Việt Nam.
Quản lý OTT viễn thông sẽ là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đa số ý kiến của Ủy ban nhất trí rằng việc pháp luật chưa có quy định quản lý về vấn đề này sẽ dẫn đến quyền lợi của người dùng chưa được bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập. Do đó, OTT viễn thông cần được quản lý theo cách thức phù hợp.
Ủy ban KH,CN&MT cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo làm rõ, rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây (Điều 23) và cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 24), bảo đảm khả thi, tránh phát sinh các vướng mắc trong thực tế.