Phát hiện tiềm năng khổng lồ, giới đầu tư Trung Quốc đua rót vốn vào các start-up Ấn Độ
Xét về phương diện địa lí, Trung Quốc và Ấn Độ ngăn cách bởi dãy Himalaya vĩ đại, nhưng dòng chảy vốn và đầu tư song phương giữa hai quốc gia châu Á này dường như đã tìm ra một con đường siêu tốc ở trên đỉnh núi Everest, cứ như thể để xóa mọi rào cản mà ai đó có thể tưởng tượng ra.
Chẳng hạn như ShareChat – một start-up cung cấp nền tảng mạng xã hội ở 15 ngôn ngữ Ấn Độ.
Vòng gọi vốn 100 triệu USD hồi tháng 8/2019 đã thu hút 7 nhà đầu tư toàn cầu, như Twitter, và Trustbridge Partners – quĩ có trụ sở tại Thượng Hải – và hai công ty đầu tư vốn mạo hiểm khác của Trung Quốc là Shunwei Capital và Morningside Venture Capital.
Chỉ 6 tháng trước đó, ShareChat cũng đã gọi vốn thành công từ nhà sản xuất điện thoại Xiaomi cũng như Shunwei.
Dù vậy, không ai cảm thấy ngạc nhiên khi thấy các khoản đầu tư phá vỡ mọi kỉ lục của nhà đầu tư Trung Quốc vào giới start-up Ấn Độ trong những năm gần đây, từ các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm và công ty đầu tư vốn tư nhân.
Kết quả là nhà đầu tư Mỹ không còn thống trị thị trường Ấn Độ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, start-up Ấn Độ đã huy động khoảng 3,9 tỉ USD từ nhà đầu tư toàn cầu. Các ông lớn Trung Quốc chiếm phần lớn trong dòng đầu tư chảy vào Ấn Độ, theo công ty nghiên cứu tài chính Venture Intelligence.
Tracxn, vốn theo dõi dòng vốn đầu tư và các biến khác trong hệ sinh thái start-up của Ấn Độ, cho biết các công ty đầu tư vốn mạo hiểm Trung Quốc đã rót 5,6 tỉ USD vào Ấn Độ trong năm 2018.
Và con số này tăng gấp 5 lần so với năm 2016 và vượt khoản đầu tư của Mỹ và Nhật Bản tại Ấn Độ.
"Sự thay đổi trong bức tranh kinh tế toàn cầu là một trong những nguyên do đằng sau xu hướng này. Đối mặt với xung đột thương mại, một lượng vốn đầu tư khổng lồ cần tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới mẻ", Jixun Foo, Đối tác quản lí tại công ty đầu tư vốn mạo hiemr có trụ sở ở Thượng Hải, cho hay. Ông cũng là nhà đầu tư hàng đầu trong danh sách Midas của Forbes.
"Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại, khi các tập đoàn công nghệ như Samsung và Intel chuyển nhà máy sang các quốc gia mới nổi. Xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng cũng sẽ đẩy nhanh sự phát triển kinh tế tại những thị trường đó", ông Foo cho biết.
Các nhà đầu tư khác đánh giá cao sự tương đồng giữa hai nền kinh tế duy nhất trên thế giới có dân số vượt mốc 1 tỉ người, qui mô lãnh thổ tương đương và dĩ nhiên cũng kèm theo tiềm năng kinh doanh khổng lồ.
"Thị trường Ấn Độ có thể rối loạn trên bề mặt, nhưng các cơ hội sống động đang chực chờ để bùng nổ", Cheng Yu, Đối tác tại Morningside Venture Capital, nhận định.
"Thị trường Ấn Độ hiện giống như Trung Quốc của vài năm về trước, khi sự tiếp cận với Internet thông qua thiết bị di động bùng nổ. Số lượng người dùng Internet ở Ấn Độ tăng vọt mỗi khi sản phẩm mới ra đời", Cheng cho biết.
Theo Tej Kapoor, Đối tác quản lí và là người đứng đầu Fosun Kinzon Capital, các công ty Internet hàng đầu của Ấn Độ hồ hởi chào đón vốn từ Trung Quốc, không phải chỉ vì nhà đầu tư Trung Quốc giàu tiền mặt mà còn do sự thấu hiểu của họ về thị trường Ấn Độ sâu hơn so với các đối tác từ các quốc gia khác.
"Nhà đầu tư châu Âu và Mỹ thường 'chơi' chứng khoán Ấn Độ, nhưng chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dữ liệu, bao gồm số lượng người dùng chủ động hàng ngày và hàng tháng", Kapoor nhận định.
Thế hệ trẻ hơn của Ấn Độ đã vượt xa kỉ nguyên PC và đang bám víu kỉ nguyên Internet thông qua thiết bị di động – vốn mang lại những cơ hội béo bở cho nhà đầu tư, Geng Yixue, Phó Chủ tịch tại Shunwei Capital, cho hay.
Trong vòng 2 năm qua, Geng đã đi đến Ấn Độ mỗi tháng để gặp các công ty địa phương và tìm kiếm các thỏa thuận tiềm năng.
Trong năm 2016, Reliance Jio – hiện đang là nhà cung cấp viễn thông lớn nhất Ấn Độ - cho ra đời dịch vụ 4G và nhanh chóng tung ra dữ liệu Internet miễn phí trong nửa năm, như là một phần của kế hoạch thu hút khách hàng.
Chỉ với 1 "cú đánh", động thái này đã giúp mọi người tiếp cận mạng lưới 4G ở một thị trường có hơn 1 tỉ người tiêu dùng, từ đó châm ngòi cho sự điên cuồng về điện thoại thông minh.
Các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc như Xiaomi, Vivo, Oppo, Huawei và OnePlus cũng thống trị thị trường Ấn Độ - nơi các đại gia toàn cầu như Apple, Motorola, Nokia, Sony và Samsung hoạt động trầy trật và chưa bao giờ thấy dễ dàng.
Về phương diện phần mềm và nội dung, thị trường Internet di động phát triển nhanh chóng của Ấn Độ đã sản sinh ra một vài tài sản kĩ thuật số địa phương trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán kĩ thuật số, dịch vụ, tin tức và giải trí.
Một vài công ty trong số này đã phát triển thành một kì lân công nghệ vững mạnh về thương hiệu, tức định giá hơn 1 tỉ USD.
Chẳng hạn, các thương hiệu mua sắm trực tuyến Flipkart và Snapdeal được coi là Alibaba, JD và Amazon của Ấn Độ; và Zomato là Meituan-Dianping của Ấn Độ, Geng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chưa có một công cụ tìm kiếm trực tuyến phát triển tại quê nhà như Google hay Yahoo.
Không giống như Trung Quốc tự hào với các phương tiện truyền thông xã hội trong nước như WeChat và Weibo, cư dân mạng Ấn Độ hoạt động tích cực trên Facebook, Twitter và WhatsApp. Nhưng Bytedance của Trung Quốc đã tìm ra "mỏ vàng" ở Ấn Độ thông qua ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok.
"Một mặt, người tiêu dùng Ấn Độ khao khát các ứng dụng khác nhau mà Internet di động mang đến. Mặt khác, có 300 đến 500 triệu người không có khả năng truy cập ổn định và không gián đoạn tới mạng Internet", Geng nói.
Nhưng, nếu xem điều này là một vấn đề, có thể bạn sẽ bị đánh giá là điên rồ bởi tình huống này có thể là một mỏ vàng tiềm năng vì có tiềm năng to lớn để thúc đẩy phát triển và tăng trưởng trong tương lai, ông nói.
Quan điểm của Geng cũng giống với ông Foo từ GGV. Ông Foo nhận xét Ấn Độ là một trong những khu vực Internet di động hấp dẫn nhất trên thế giới trong lúc lĩnh vực này đang càng trưởng thành hơn.
Hiện tại, các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc bao gồm Hillhouse Capital, Shunwei Capital, Morningside Venture Capital và Fosun Kinzon Capital đang tích cực đầu tư vào các công ty Ấn Độ trong các lĩnh vực như bán lẻ, mạng xã hội và Internet.
Các biểu tượng của giới doanh nghiệp Trung Quốc như Tập đoàn Alibaba, Tencent Holdings và Xiaomi cũng đang cạnh tranh những lát bánh công nghệ tại Ấn Độ.
Shunwei Capital, do người sáng lập Xiaomi Lei Jun và Tuck Lye Koh thành lập, đã đầu tư vào hơn 20 dự án ở Ấn Độ, bao gồm kì lân giao hàng thực phẩm Zomato, nền tảng thương mại Meesho và Cashify, và start-up công nghệ tài chính Krazybee.
"Shunwei đang phát triển lớn mạnh trên các lĩnh vực như mạng xã hội và nội dung, công nghệ trực tuyến và thương mại điện tử, cũng như các lĩnh vực tiêu dùng", Geng nói.
Theo ông, các công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Bắc Kinh đã đầu tư ít nhất 100 triệu USD vào thị trường Ấn Độ cho đến nay, với phần lớn tập trung vào đầu tư giai đoạn đầu.
GGV Trung Quốc đã xem xét vào thị trường Ấn Độ trong nhiều năm nay và gần đây đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên vào Udaan, một nền tảng B2B.
"Bán lẻ Mới (New Retail) là lĩnh vực mà GGV đặc biệt chú ý", ông Foo nói. "Ở Ấn Độ, nơi hầu hết các cửa hàng tạp hóa lân cận và các cửa hàng tương tự đều là các cửa hàng gia đình qui mô nhỏ, do đó Bán lẻ mới có tiềm năng rất lớn. Các công ty công nghệ có thể giúp các cửa hàng nhỏ này số hóa hoạt động của họ".
Mô hình Bán lẻ mới đề cập đến việc tích hợp hoặc liên kết, mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến bằng cách sử dụng các công nghệ hiện đại, dữ liệu và kĩ thuật thu hút khách hàng, một lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đã có trình độ chuyên môn nhất định.
Thuật ngữ này ra đời vào năm 2016 bởi Jack Ma, người sáng lập đầy lôi cuốn của Alibaba. Theo lời ông, New Retail đang làm cho sự khác biệt giữa thương mại thực và ảo trở nên mơ hồ. Nó đưa ra sự kết hợp tốt nhất giữa bán lẻ tại cửa hàng và trực tuyến.
Vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Ấn Độ. Hai nhà lãnh đạo đồng ý thúc đẩy trao đổi và học hỏi lẫn nhau để đạt sự phát triển và thịnh vượng chung.
Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những nền kinh tế mới nổi quan trọng với nhau. Ông Modi nói vào thời điểm đó, đồng thời nhấn mạnh rằng việc tăng cường trao đổi và hợp tác có ý nghĩa rất lớn đối với hai nước.
Cuộc họp đã nâng quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ lên một tầm cao mới, và những người trong ngành cho biết họ hi vọng Ấn Độ sẽ thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc kể từ năm 2019.
Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, sự lạc quan xuất phát từ thực tế là thương mại song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ đạt 639,5 tỉ nhân dân tệ (93,5 tỉ USD) vào năm ngoái, tăng 1,6% so với cùng kì năm ngoái.